Nợ xấu tiếp tục tăng gây áp lực lên chất lượng tài sản Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), trong khi dư nợ cho vay bất động sản tăng đột biến.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024 của Ngân hàng VIB, cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng đột biến. Cụ thể, tính đến hết quý II/2024, dư nợ cho vay bất động sản của VIB đạt hơn 6.164 tỷ đồng, tăng 4.491 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Tỷ trọng cho vay bất động sản cũng tăng tương ứng từ 0,63% tại thời điểm 31/12/2023 lên 2,21% thời điểm 30/6/2024.
Việc tăng mạnh cho vay vào lĩnh vực bất động sản của VIB được xem ngược dòng, khi nhiều nhà băng đã thận trọng hơn khi rót vốn vào lĩnh vực bất động sản, thay vào đó hướng đến cho vay ở nhiều lĩnh vực khác như hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, sản xuất, năng lượng tái tạo…
Cùng với việc cho vay bất động sản tăng thì trong quý II/2024, số dư nợ xấu của ngân hàng này tiếp tục tăng 5,9% so với quý I/2024 và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023, lên 10.200 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2024.
Trong quý II/2024, VIB đã tích cực xóa hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn không giảm đi, mà còn tăng nhẹ 1 điểm cơ bản, lên 2,44%, chủ yếu đến từ nhóm khách hàng cá nhân.
Chưa kể, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đã tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2023 và tăng 18% so với cuối quý I/2024 lên gần 4.206 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, VIB tiếp tục chủ động gia tăng bộ đệm dự phòng với mức trích lập dự phòng rủi ro trung bình khoảng 1.000 tỷ đồng/quý, mức này tăng 36% so với 6 tháng đầu năm 2023 nhưng giảm 38% so với 6 tháng cuối năm 2023.
Liên quan đến nợ xấu là tài sản đảm bảo, phần lớn tài sản đảm bảo tại VIB đều là bất động sản. Vì vậy trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, nợ xấu tăng được cho là sẽ tác động tiêu cực đến tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản của VIB trong nửa cuối năm 2024.
Có thể thấy, tỷ lệ nợ xấu của VIB đang có xu hướng tăng rất mạnh trong giai đoạn 5 năm gần đây. Trước đó, con số này lần lượt là 3% (năm 2023), 2,45% (năm 2022), 2,32% (năm 2021), 1,74% (năm 2020) và 1,96% (năm 2019).
Nợ xấu tăng mạnh và khả năng "phòng thủ" của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu giảm đi, đang là viễn cảnh đầy thách thức lớn với lợi nhuận và tăng trưởng của VIB trong những tháng còn lại của năm 2024.
Mới đây, nhận định về nợ xấu của VIB, Trung tâm phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, lãi suất cho vay mua nhà đã hết thời gian ưu đãi đang duy trì khoảng 12%/năm và đang gây ra nhiều khó khăn cho khách hàng để trả nợ. Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ nợ xấu gia tăng tại nhà băng này.
Do tỷ lệ hình thành nợ xấu vẫn cao trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường bất động sản vẫn còn thấp, chất lượng tài sản cũng như gánh nặng trích lập dự phòng được dự báo vẫn là áp lực lớn của VIB trong nửa cuối năm 2024.
Theo nhận định của SSI Research, thanh khoản trên thị trường bất động sản vẫn còn thấp, đặc biệt là ở khu vực miền Nam cùng với áp lực cạnh tranh gay gắt, vì vậy, ngân hàng đang gặp phải một số thách thức trong việc xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng.
Với việc thu hồi nợ xấu vẫn còn chậm, SSI Research cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của VIB sẽ không cải thiện so với cuối năm 2023, có thể vẫn ở mức cao là 3,3% trong năm 2024 và cải thiện xuống 3,1% trong năm 2025. Theo đó, chi phí tín dụng lần lượt là 1,6% và 1,5% trong năm 2024 và 2025.
Biên lợi nhuận (NIM) của VIB tiếp tục co lại trong quý II/2024, cụ thể là giảm 22 điểm cơ bản so với quý trước xuống mức 4% trong quý II/2024 (so với mức đỉnh 5,3% tại cuối quý I/2023). Theo SSI Research, sự co hẹp về NIM chủ yếu là bởi VIB phải giảm lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng tín dụng và cạnh tranh với những ngân hàng khác.
Ngoài ra, việc VIB bắt đầu cho vay mảng khách hàng doanh nghiệp buộc ngân hàng phải hi sinh thêm biên lợi nhuận của mình. Do đó, lợi suất sinh lời trên tài sản (ROA) giảm 25 điểm cơ bản so với quý trước xuống mức 7,78%, trong khi chi phí vốn chỉ giảm 2 điểm cơ bản so với quý trước xuống còn 4% trong quý II/2024. Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, chất lượng tài sản giảm cũng là một lý do khác khiến thu nhập lãi suất đảo chiều.
SSI Research dự báo, chỉ số NIM của VIB sẽ tiếp tục chịu áp lực do lãi suất cho vay giảm trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng dần.
Trước áp lực nợ xấu, SSI Research điều chỉnh giảm 14,2% ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2024 của VIB so với trước đó xuống còn 9,4 nghìn tỷ đồng (giảm 11,8% so với cùng kỳ).
Như vậy, lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm 2024 của VIB dự kiến đạt 4,8 nghìn tỷ đồng (giảm 4,5% so với cùng kỳ). Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 14,8% so với đầu năm lên mức 306,7 nghìn tỷ đồng.