Những ngày vừa qua, hàng loạt ngân hàng công bố thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, qua đó đã hé lộ nhiều cá nhân, tổ chức nắm giữ lượng vốn lớn tại ngân hàng; trong đó có các “ông lớn” bất động sản.
Đầu tiên phải kể đến thương vụ thâu tóm mới đây của Công ty Cổ phần Tập đoàn GELEX tại Ngân hàng Eximbank (mã: EIB).
Trong danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên theo số liệu cập nhật đến ngày 6/8/2024 của Eximbank, GELEX đang sở hữu 174,6 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn điều lệ của ngân hàng này. Ước tính theo giá cổ phiếu EIB chốt phiên ngày 16/8, số vốn mà GELEX đang sở hữu tại Eximbank có giá trị lên tới 3.200 tỷ đồng.
Trước đó, GELEX từng nắm 85,5 triệu cổ phiếu EIB, chiếm 4,9% vốn ngân hàng. Tuy nhiên, ngày 5/8, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận việc GELEX mua cổ phần của Eximbank thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận qua hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM trong năm 2024.
Sau đó, trong hai ngày 7/8 và 8/8/2024, GELEX đã mua lần lượt 50 triệu và 39 triệu cổ phiếu EIB bằng phương thức giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM và trở thành cổ đông lớn nhất của Eximbank.
Tại ABBank (mã: ABB), danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ của nhà băng này cho thấy, Tập đoàn Geleximco do ông Vũ Văn Tiền làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (ông Tiền cũng là Phó Chủ tịch HĐQT ABBank) lại đang có 132,2 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 12,78% vốn ngân hàng.
Ngoài ra, CTCP Glexhomes cũng đang sở hữu 45,8 triệu cổ phiếu ABB, tỉ lệ 4,43%. Người liên quan của công ty này có 0,03% vốn ngân hàng. Thông tin trên website, Glexhomes tiền thân là Công ty Cổ phần Ngôi Sao An Bình (ABSC) được thành lập năm 2009 bởi cổ đông sáng lập là Tập đoàn Geleximco.
Quy đổi theo thị giá cổ phiếu ABB chốt phiên ngày 16/8, nhóm cổ đông liên quan Geleximco đang nắm giữ số cổ phần trị giá gần 1.500 tỷ đồng.
HDBank (mã: HDB) cũng là ngân hàng có sự hiện diện của doanh nghiệp bất động sản, cụ thể là Công ty Cổ phần Sovico (Sovico Holdings). Doanh nghiệp này là cổ đông duy nhất nắm trên 5% cổ phần của nhà băng này, đang sở hữu 417,7 triệu cổ phiếu HDB, tương đương 14,27% vốn.
Quy đổi theo thị giá cổ phiếu HDB chốt phiên ngày 16/8, Sovico Holdings đang nắm giữ số cổ phần trị giá hơn 11.200 tỷ đồng.
Sovico Holdings được biết đến là doanh nghiệp “thân thiết” nằm trong hệ sinh thái liên quan đến tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà Thảo cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico (Sovico Group), là công ty đầu tư vào HDBank thông qua Sovico Holdings.
Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (mã: OCB), có tới 13 cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên; trong đó có nhiều cái tên đang hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến bất động sản.
Cụ thể, theo công bố của OCB, hiện Tổng Công ty Bến Thành - TNHH MTV đang nắm tỷ lệ 4,96% nhà băng nay, Công ty Cổ phần Đầu Tư Bình An House 4,74%, Công ty Cổ phần Đầu Tư HVR: 3,85%, Công ty Cổ phần Greenwave Capital: 4,44%, Văn phòng Thành ủy nắm tỷ lệ 3,65%, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận: 3,27%, Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Tây Ninh nắm tỷ lệ 3,25%, Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Hve nắm 3,14%.
Đáng chú ý, không riêng các doanh nghiệp bất động sản mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang chi nghìn tỷ để ôm cổ phần của các ngân hàng. Điển hình như tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (MBBank, mã: MBB) cũng đang có 6 tổ chức sở hữu 47,2% vốn. Trong đó, lớn nhất là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nắm 19%; kế tiếp là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm 9,8%.
Hai tổ chức sở hữu lớn kế tiếp cũng đều là doanh nghiệp nhà nước gồm Tổng công ty Trực thăng Việt Nam nắm 8,4% và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn nắm 7,1%.
Hai cổ đông tổ chức còn lại là quỹ đầu tư Pyn Elite sở hữu 1,6% và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam sở hữu 1,2%.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định các ngân hàng phải công bố thông tin những cổ đông nắm từ 1% vốn cùng người có liên quan.
Theo nhiều chuyên gia, quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho hệ thống giám sát đại chúng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bề nổi, để đưa sở hữu chéo ngân hàng ra ánh sáng, chỉ có Nhà nước bằng hệ thống quản lý, công cụ giám sát mới có thể thấy rõ những gì bên trong.
Các chuyên gia cũng cho rằng mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản trong quá khứ để lại nhiều bài học lớn khi xuất hiện tình trạng “sân sau”. Chính điều này đã tạo ra sự nguy hiểm cho hệ thống, tuy nhiên, Nhà nước đã có kinh nghiệm xử lý, hoàn thiện thể chế, đưa các ngân hàng đại chúng thực sự trở thành doanh nghiệp đại chúng, giám sát, quản lý tránh thao túng.
Hơn nữa, quy định pháp luật hiện tại hoàn toàn đủ cho cơ quan quản lý giám sát, như việc bổ sung quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông, giới hạn cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu./.