Gia đình đang có tài sản lớn nằm tại ngân hàng còn phải kể đến là gia đình ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB. Theo đó, tính đến ngày 30/7, ông Trần Hùng Huy đang sở hữu hơn 153 triệu cổ phiếu, tương đương 3,4% vốn ngân hàng. Số cổ phần sở hữu của người có liên quan đến ông Huy là 367 triệu cổ phiếu, tương đương 8,2% vốn.
Tổng cộng, ông Trần Hùng Huy và người có liên quan đang sở hữu gần 12% vốn điều lệ tại ACB. Với vốn hóa thị trường đạt gần 110.000 tỷ đồng hiện tại của ACB. Ước tính lượng cổ phiếu mà ông Trần Hùng Huy cùng những người thân trong gia đình nắm giữ có giá trị hơn 13.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Đặng Thu Thủy, Thành viên HĐQT ACB, cũng chính là mẹ ông Trần Hùng Huy cũng đang nắm hơn 53 triệu cổ phiếu ACB, chiếm 1,2% vốn. Tỷ lệ sở hữu của người có liên quan đến bà Thủy theo đó cũng là gần 10,5% vốn ngân hàng.
Ngoài những cái tên nổi bật nói trên, một cái tên gây bất ngờ là Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ của Ngân hàng VIB. Hiện Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ đang sở hữu hơn 125,55 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,949%). Tạm tính theo thị giá hiện tại, khối tài sản của ông Vỹ lên tới 2.600 tỷ đồng.
Vợ của ông Vỹ, bà Trần Thị Thảo Hiền cũng lọt Top những người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán. Bà Hiền đang sở hữu hơn 125 triệu cổ phiếu VIB (tỷ lệ 4,928%), giá trị khoảng 2.600 tỷ đồng.
Như vậy, riêng 2 vợ chồng ông Đặng Khắc Vỹ và bà Trần Thị Thảo Hiền đã có khối tài sản bằng cổ phiếu VIB trị giá hơn 5.200 tỷ đồng.
Không sở hữu hàng trăm triệu cổ phiếu như vợ chồng ông Đặng Khắc Vỹ, nhưng chị dâu ông Vỹ, bà Lê Thị Huệ, cũng là tỷ phú với khối tài sản khoảng 54 tỷ đồng.
Trong danh sách những người liên quan của ông Đặng Khắc Vỹ, còn có 2 pháp nhân là CTCP Funderra và CTCP Beston. Trong đó Funderra sở hữu 118,7 triệu cổ phiếu, trị giá gần 2.500 tỷ đồng, và Beston sở hữu hơn 110 triệu cổ phiếu, trị giá gần 2.300 tỷ đồng.
Như vậy, tổng cộng ông Đặng Khắc Vỹ và những người liên quan sở hữu khối cổ phiếu VIB trị giá hơn 10.000 tỷ đồng…
Trước đây, các ngân hàng chỉ phải công khai thông tin của cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn hoặc thông tin của lãnh đạo cùng người có liên quan. Tuy nhiên, theo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7, ngân hàng cũng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Đồng thời, danh sách người có liên quan cũng được mở rộng nhiều so với trước.
Luật mới cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%, cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Kể từ 1/7, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, cuối năm 2022, có tổng số 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng thương mại cổ phần, 1 công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%. Việc công bố thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng được đánh giá là biện pháp cần thiết để có thể kiểm soát được tình trạng sở hữu chéo.
Liên quan đến việc này, trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định việc NHTM có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Dự thảo nêu rõ, ngân hàng thương mại phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ phù hợp với phương án cơ cấu lại hoặc được phê duyệt của cấp có thẩm quyền của cổ đông và người có liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các TCTD./.