Nguyên nhân là nhờ hoạt động xuất khẩu sớm khởi sắc trở lại, cùng với đà phục hồi kinh tế tích cực trong quý II. Các tổ chức này đánh giá Việt Nam đang tận dụng tốt xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi chính sách điều hành ổn định tiếp tục tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng trong trung và dài hạn.

686d3f6cbdcfa.jpg
Nhiều ngân hàng toàn cầu nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025. (Ảnh minh họa)

Trong báo cáo công bố ngày 8/7, Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế Toàn cầu của Ngân hàng UOB cho biết đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 lên 6,9%, thay cho mức 6% trước đó. Động thái này xuất phát từ những diễn biến tích cực trong quý II/2025.

Theo phân tích của UOB, GDP thực tế của Việt Nam trong quý II tăng mạnh 7,96% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa dự báo của Bloomberg (6,85%) và cả chính dự báo của UOB (6,1%). Con số này cũng cao hơn mức điều chỉnh của quý I là 7,05%. Tính chung nửa đầu năm, GDP tăng 7,52% so với cùng kỳ – mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm kể từ 2011.

Đà phục hồi mạnh mẽ này, theo các chuyên gia UOB, phần lớn đến từ việc các doanh nghiệp trong nước tranh thủ thực hiện đơn hàng xuất khẩu trong khoảng thời gian 90 ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm ngưng chính sách áp thuế “đối ứng”, thay vào đó áp dụng mức thuế cơ bản 10%.

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 219 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu cũng tăng 17,9%, lên 212 tỷ USD. Máy tính và sản phẩm điện tử tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu 47,7 tỷ USD, tăng 42%. Điện thoại di động đạt 26,9 tỷ USD (giảm 1,1%) và máy móc thiết bị đạt 27 tỷ USD (tăng 16,3%). Ba nhóm hàng này chiếm khoảng 46% tổng kim ngạch xuất khẩu, cho thấy Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào các lĩnh vực công nghệ cao.

Dù vậy, UOB lưu ý rằng sản xuất trong nước vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trong 7 tháng gần nhất, chỉ số quản lý thu mua (PMI) ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam có đến 6 tháng nằm dưới ngưỡng 50 điểm – cho thấy hoạt động sản xuất nhìn chung chưa thực sự trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững, đặc biệt là do đơn hàng mới sụt giảm.

Bên cạnh UOB, Citigroup cũng đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 lên 7%, từ mức 6,6% trước đó, dựa trên kết quả tăng trưởng vượt kỳ vọng trong quý II. Ngân hàng Maybank đưa ra dự báo tích cực hơn, cho rằng tăng trưởng năm nay có thể đạt 7,3%, so với mức 6,2% trong dự báo trước, dù cảnh báo xuất khẩu và sản xuất có thể chững lại trong nửa cuối năm. Tuy vậy, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến vẫn sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam.

Cùng chung quan điểm lạc quan, ông Michael Kokalari (CFA) – Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital đánh giá rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam đang được củng cố nhờ những cải cách sâu rộng đang được triển khai. Theo ông, sự kết hợp giữa sáp nhập hành chính, nới lỏng quy định và định hướng phát triển kinh tế toàn diện đang góp phần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là đầu tư hạ tầng – được xem là động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, tiến độ các dự án hạ tầng quy mô quốc gia cũng đang được rút ngắn đáng kể. Thời gian khởi công và hoàn thành một số công trình lớn như sân bay Long Thành (13 tỷ USD), đường vành đai Hà Nội và TP.HCM (13 tỷ USD) và tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (8,4 tỷ USD) đã được rút ngắn tới ba năm, tạo động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế trong trung và dài hạn./.