Số liệu được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đưa ra tại báo cáo vừa phát hành.

Theo báo cáo trên, tính đến ngày 27/6 có 58 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được ghi nhận trong tháng với tổng giá trị 75.745 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 218.831 tỷ đồng với 14 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.904 tỷ đồng (chiếm 12.8% tổng giá trị phát hành) và 167 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 190.927 tỷ đồng (chiếm 87.2% tổng số).

Ở chiều ngược lại, trong tháng 6 các doanh nghiệp đã mua lại 33.120 tỷ đồng trái phiếu.

Như vậy, lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 94.203 tỷ đồng, tăng 33,9% so với năm 2024. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 54,4% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 51.210 tỷ đồng).

“Trong phần còn lại của năm 2025, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 133.011 tỷ đồng. 53,7% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 71.379 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 33.281 tỷ đồng (chiếm 25%)”, VBMA cho biết.

686c7e3ac52e7.jpg
Nguồn: VBMA

80% trái phiếu phát hành mới thuộc về ngân hàng

Theo dữ liệu từ VIS Rating, tháng 6/2025 ghi nhận giá trị phát hành trái phiếu theo tháng cao nhất kể từ năm 2022 khi đạt tới 94.000 tỷ đồng, tăng 36% so với tháng trước, nhưng hơn 80% là trái phiếu phát hành riêng lẻ của các ngân hàng.

Tính đến thời điểm cuối tháng 6, các ngân hàng tư nhân lớn (ACB, MBBank và Techcombank) đã hoàn thành khoảng 50% kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2025. Ở khối doanh nghiệp phi tài chính, ngành bất động sản nhà chiếm thị phần lớn, trong đó Vingroup và các công ty liên quan chiếm 81% lượng phát hành trong 6 tháng năm 2025.

Trong 12 tháng tới, VIS Rating ước tính có khoảng 222.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn. Trong số này, 44% được phát hành bởi các tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm ở mức yếu hoặc thấp hơn. Đồng thời trong số sắp đáo hạn có 92 lô trái phiếu với tổng giá trị khoảng 50.000 tỷ đồng đã được gia hạn hai năm hoặc ngắn hơn theo nghị định 08 trong giai đoạn 2023-2025, chủ yếu nhằm giảm áp lực thanh toán ngắn hạn và tránh tình trạng chậm trả.

Thống kê cũng cho biết, hiện dư nợ trái phiếu toàn thị trường ở mức hơn 1,36 triệu tỷ đồng. Trong đó có 2.180 mã riêng lẻ, 103 mã công chúng từ 404 tổ chức phát hành.

686c7e594163f.jpg
Ảnh minh họa.

Về kế hoạch phát hành trái phiếu sắp tới, mới đây, HĐQT Agribank đã thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công chúng trong năm 2025 với tổng giá trị tối đa 10.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có TSĐB và mệnh giá dự kiến 100 nghìn đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 10 năm với mức lãi suất thả nổi.

HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2025 với tổng giá trị tối đa 10.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có TSĐB và mệnh giá dự kiến 100 triệu đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm với mức lãi suất kết hợp giữa cố định và thả nổi.

HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 năm 2025 với tổng giá trị tối đa 20.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có TSĐB và mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm với lãi suất kết hợp giữa cố định và thả nổi./.