Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 28/03/2025, có 5 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được ghi nhận trong tháng 3 năm 2025 với tổng giá trị đạt 10.699 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 18.604 tỷ đồng với 9 đợt phát hành ra công chúng, trị giá 18.104 tỷ đồng (chiếm 97.3% tổng giá trị phát hành) và 1 đợt phát hành riêng lẻ, trị giá 500 tỷ đồng (chiếm 2.7% tổng số).
Ở chiều ngược lại, trong tháng 3/2025, các doanh nghiệp đã mua lại 4.723 tỷ đồng trái phiếu. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 21.979 tỷ đồng, giảm 1,5% so với năm 2024. Bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 52.6% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 11.563 tỷ đồng).

“Trong phần còn lại của năm 2025, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 179.207 tỷ đồng. 53,6% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 96.008 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 41.166 tỷ đồng, chiếm 23%”, VBMA cho biết.
Trước đó, cả năm 2024, tổng giá trị phát hành mới đạt hơn 447 nghìn tỷ đồng, tăng gần 32% so với năm 2023; trong khi đó, tổng lượng trái phiếu mua lại trong năm đạt gần 203,7 nghìn tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2023.
Nhóm ngân hàng là nhóm dẫn đầu trong việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn với gần 75% tổng lượng trái phiếu mua lại và tăng 19,7% so với năm 2023. Trong khi đó, lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại của các doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm 10% và giảm 56,9% so với năm 2023.

Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo mới phát hành, Fiin Ratings đưa ra dự báo cho biết, trong năm nay giá trị trái phiếu đáo hạn sẽ tập trung vào quý III và quý IV. Trong đó, chỉ riêng tháng 8 và tháng 12 đã đạt khoảng 35.000 tỷ đồng.
Đối với quý II, đơn vị này ước tính 40.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ đáo hạn. Cụ thể, 16.500 tỷ đồng đáo hạn thuộc về nhóm bất động sản chiếm tới 40,7% tổng giá trị, 11.900 tỷ đồng thuộc về lĩnh vực khác (chiếm 29,2% tổng giá trị) và 8.200 tỷ đồng (chiếm 20,2% tổng giá trị) thuộc về nhóm tổ chức tín dụng.
“Dự báo giá trị dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng 15-20% cho năm 2025 nhưng tập trung nhóm trái phiếu ngân hàng do khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động tiền gửi sẽ gia tăng trong bối cảnh hiện nay”, Fiin Ratings nhận định./.