Theo số liệu của Chi cục Thống kê TP.HCM, tổng doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong nửa đầu năm nay trên địa bàn thành phố ước đạt 138.963 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu dịch vụ khác của thành phố (nhóm ngành bao gồm: bất động sản, giáo dục, y tế, hành chính và hỗ trợ) đạt 243.429 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Một số lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội như dịch vụ y tế (tăng 27,6%), giáo dục và đào tạo (tăng 20,5%), dịch vụ hành chính và hỗ trợ (tăng 15,3%).

Đáng chú ý, dù có doanh thu cao và chiếm phần lớn trong tổng doanh thu dịch vụ khác nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành bất động sản vẫn còn khá khiêm tốn khi chỉ đóng góp 1,4% vào mức tăng GRDP toàn thành phố.

“Hoạt động bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn khi chỉ tăng 3,34%, chiếm 3,3% GRDP nhưng chỉ đóng góp 1,4% vào mức tăng GRDP”, báo cáo của Chi cục Thống kê TP.HCM nêu rõ.

686a964830ff5.jpg
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, động lực tăng trưởng của ngành bất động sản TP.HCM đặt nhiều kỳ vọng vào nửa cuối năm 2025, nhờ các chính sách pháp lý mới có hiệu lực từ tháng 8/2024 như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở. Những thay đổi này được cho là sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt pháp lý, mở đường cho nguồn cung nhà ở thương mại và dòng vốn được lưu thông tốt hơn.

Cùng với đó, sự kiện TP.HCM sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, hình thành "siêu đô thị" với dân số 14 triệu người, cũng được đánh giá là một bước ngoặt về tái cấu trúc không gian đô thị và phát triển hạ tầng.

Ngoài ra, các dự án trọng điểm như đường Vành đai 3, mở rộng metro, kết nối liên vùng sẽ tiếp tục là đòn bẩy mạnh mẽ cho thị trường bất động sản, đặc biệt tại khu vực vùng ven.

Tuy nhiên, để tạo được đà tăng trưởng bền vững, các chuyên gia cho rằng cần sớm tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với dự án nhà ở thương mại, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và cải thiện dòng vốn tín dụng cho người mua nhà và doanh nghiệp bất động sản.

6 tháng đầu năm, GRDP TP.HCM cũ tăng trưởng 7,82%, còn tính chung sau sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 6,56%.

Khu vực dịch vụ góp lớn nhất vào mức tăng GRDP, tăng 8,58%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 654.279 tỷ đồng, tăng 15,8%. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, tổng thu tăng 27,3%. Kim ngạch xuất và nhập khẩu đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 31,6 tỷ USD và 24,9 tỷ USD…