Số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, thị trường bất động sản đón nhận thêm 2.589 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, còn có 2.786 doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tăng gần gấp đôi so với con số 1.577 doanh nghiệp của cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp địa ốc tạm dừng kinh doanh có thời hạn giảm nhẹ ở mức 3.127 doanh nghiệp, tương đương 98,2% so với cùng kỳ. Đồng thời, vẫn có tới 664 doanh nghiệp giải thể, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

6868fff060de5.jpg
Tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản 6 tháng đầu năm 2025. Biều đồ: Minh Quân

Theo đánh giá của giới chuyên gia, đà phục hồi mạnh của nhóm doanh nghiệp bất động sản quay lại hoạt động đến từ việc thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu cho thấy khởi sắc trở lại khi những rào cản về mặt pháp lý được tháo gỡ trong thời gian qua.

Cụ thể, các quy định liên quan đến phê duyệt dự án, quyền sử dụng đất và tiếp cận tín dụng đã có những thay đổi theo hướng rõ ràng, minh bạch, thuận lợi hơn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thị trường vẫn cần thời gian để phục hồi bền vững. Các doanh nghiệp bất động sản còn đối mặt với thách thức về dòng tiền, sức mua yếu do giá quá cao và tiến độ giải ngân đầu tư công chưa như kỳ vọng. Do đó, ngoài việc tháo gỡ pháp lý, cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ thực chất hơn về tài chính, tín dụng và thủ tục hành chính để duy trì đà phục hồi lâu dài.

68690050160ae.jpg
Ảnh minh họa

Chia sẻ tại diễn đàn mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản thời gian tới khi bộ máy hành chính tinh gọn hơn, sáp nhập lại địa phương sẽ giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng hưởng lợi từ quy trình thủ tục ngắn hơn, đơn cử chỉ cần nộp đơn xin giấy phép vào một cửa thôi.

Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đang cho thấy những kế hoạch, chủ trương rất cụ thể, rõ ràng, như đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cũng như tư duy trong nước có thể làm được mà không nhất thiết phải cần tới doanh nghiệp nước ngoài. Việc phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cũng sẽ mở rộng không gian tới các vùng đô thị mới.

Cơ hội của doanh nghiệp bất động sản thời gian tới cũng đến từ việc ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian dài vừa qua và dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức trong thời gian tới. Mặc dù nhiều vấn đề về thể chế đã được tháo gỡ nhưng chưa thật sự hoàn chỉnh, đòi hỏi sự tiếp tục điều chỉnh và thay đổi trong thời gian tới.

Để dẫn chứng, ông Đính cho biết, vấn đề giá đất hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc và vấn đề. Theo khảo sát có cảm giác như không ít địa phương đặt ra mức giá đất trên trời. Họ làm đúng các yêu cầu của luật pháp nhưng khi xác định lại các giao dịch thị trường để xác định giá thì những giao dịch này có độ bong bóng rất cao. Các giao dịch này là chiêu trò của một số thao túng trên thị trường. Vô hình chung khi xác định vào bảng giá, có nghĩa là đã hợp lý hóa, pháp lý hóa cái bong bóng đấy.

Điều này sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm, làm giảm sức hút đầu tư khi các doanh nghiệp thuế đất phải trả giá cao, người có nhu cầu thật rất khó tiếp cận khi mặt bằng giá bị đẩy lên cao.

“Nhìn chung, thị trường bất động sản chưa có chất lượng cao, dễ bị thao túng, dễ dẫn tới tình trạng ảo giá, bong bóng do những dự án, quy hoạch chưa thật sự chất lượng, vấn đề điều hành chưa sát sao. Nhiều địa phương, các sản phẩm bất động sản mọc đầy nhưng cũng chỉ để cho cỏ mọc, bê tông móc.

Nhà nước đang có nhiều nỗ lực để kiểm soát, điều hành vấn đề này. Chúng tôi đề xuất các giao dịch đều phải qua sàn giao dịch để kiểm soát tốt hơn, tránh tình trạng thao túng, lũng loạn, đầu cơ, thổi giá. Kiểm soát tốt nhưng vẫn phải tạo điều kiện”, ông Đính kiến nghị.

6 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có 25,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 127,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 21,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.