Đó là một trong những chỉ đạo được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đưa ra tại Kế hoạch số 255/KH-UBND về việc thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm 2024.

Theo đó, tại kế hoạch trên, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đánh giá, kinh tế Thủ đô đang dần phục hồi rõ nét sau đại dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, du lịch, tiêu dùng đang có những bứt phá, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô.

Tuy nhiên, còn những trở ngại, thách thức: Chỉ số giá tăng cao; sản xuất, kinh doanh còn khó khăn; tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra... Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 6,5-7,0% thì 6 tháng cuối năm 2024 GRDP phải tăng từ 6,9-7,9%.

Từ đó, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo loạt nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ chung: Thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp;

Thúc đẩy kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công; tập trung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại kế hoạch mà UBND TP đã đề ra; Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu; trọng tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng và nông, lâm nghiệp và thủy sản; Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp kiểm soát lạm phát.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư; Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản;

Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của UBND Thành phố thành lập theo Quyết định số 4097/QĐ-UBND để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư tạo chuyển biến rõ nét trong 6 tháng cuối năm 2024;

Tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng và các thủ tục để khởi công toàn bộ 19 cụm công nghiệp còn lại (trên tổng số 43 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018-2020) trong năm 2024; hoàn thiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 10-15 cụm công nghiệp trong năm 2024 để tiếp nhận doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh;

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, tại kế hoạch, Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản, kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản trên địa bàn thành phố; có giải pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh bất động sản (nếu có)....

Trước đó, như chúng tôi đã phản ánh, chỉ trong 10 ngày, từ 10-19/8, tại Hà Nội đã diễn ra 2 cuộc đấu giá đất tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức gây “choáng” cho nhiều nhà đầu tư.

Sau đó, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản yêu cầu 5 sở, ngành vào cuộc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm (nếu có). Theo UBND TP. Hà Nội, việc trúng giá cao bất thường có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã vào cuộc kiểm tra các cuộc đấu giá đất ở 2 huyện trên.

Sau động thái trên, một số quận, huyện của Hà Nội đã bất ngờ thông báo dừng đấu giá đất trong tháng 9./.