Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 19/8 đã diễn ra cuộc đấu giá 19 lô đất ở tại khu LK04, thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội). Cuộc đấu giá diễn ra từ 8h sáng, xuyên đêm và đến 4h30 ngày 20/8 – sau 18 tiếng mới có kết quả chung cuộc khi toàn bộ lô đất đều đã bán đấu giá thành công.

Theo kết quả sơ bộ, lô cao nhất trúng với giá 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm. Lô đất này có kí hiệu LK03-12 nằm ở vị trí góc với 2 mặt thoáng, diện tích trên 113m2.

Bên cạnh lô đất trên, 11 lô khác cũng được thiết lập mức giá trên 100 triệu đồng/m2. Ba lô kí hiệu LK03-6, LK03-7 (rộng 91,67m2) và LK04-6 (rộng 115,95m2) trúng giá 127,3 triệu đồng/m2. Giá trị của các lô đất lần lượt là hơn 15 tỷ đồng, 11,6 tỷ đồng và 14,7 tỷ đồng. Hai lô đất có giá trúng thấp nhất tại phiên này là 91,3 triệu đồng/m2.

Trước đó, ngày 10/8, tại hội trường UBND huyện Thanh Oai, huyện đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đối với 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao.

Theo đó, tổng số 68 lô đất này có 1.600 người tham gia, số hồ sơ dự kiến là 7.000 bộ. Diện tích của mỗi thửa đất dao động từ 60-85 m2, mức giá khởi điểm rơi vào khoảng 8,6-12,5 triệu đồng/m2.

Kết thúc phiên đấu giá, lô góc có giá trúng cao nhất gần 101 triệu đồng/m2, lô thường có giá trúng 63-80 triệu đồng/m2. Như vậy, so với giá khởi điểm, giá lô thường cao gấp 5-6,4 lần, lô góc cao gấp 8 lần.

Đáng chú ý, thời điểm 2 cuộc đấu giá đất ở Thanh Oai và Hoài Đức diễn ra chỉ cách nhau gần 10 ngày và cuộc nào cũng được trả mức giá cao kỷ lục đã gây “choáng váng” cho không ít các nhà đầu tư. Vậy đây là điều bất thường hay bình thường?

Trao đổi với chúng tôi, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh, Chuyên gia pháp lý bất động sản đánh giá, các cuộc đấu giá đất ở ngoại thành Hà Nội đã gây xôn xao dư luận khi thu hút đông đảo người tham gia và giá trúng đấu giá của nhiều lô cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.

“Diễn biến và kết quả của cuộc đấu giá đất có thể là bất thường nhưng theo tôi đây nên được coi là hiện tượng kinh tế bình thường hơn là hành vi thổi giá đất”, ông Đỉnh nói.

Khu đất đấu giá ở Hoài Đức.
Khu đất đấu giá ở Hoài Đức.

Theo chuyên gia pháp lý này, rõ ràng trong một nền kinh tế thị trường thì giá cả do thị trường quyết định. Việc có nhiều cá nhân cùng tham gia đấu giá (tỷ lệ “chọi” lên tới 20-30 lần) phản ánh nhu cầu của thị trường.

Hiện nay, nhu cầu của người dân (gồm nhu cầu ở thực và nhu cầu đầu tư, thậm chí đầu cơ) là rất lớn, trong khi các thống kê cho thấy số lượng tiền gửi ngân hàng và lượng tiền trong dân là rất dồi vào và đương nhiên người dân có nhu cầu đầu tư. Không thể phủ nhận bất động sản vẫn là lĩnh vực đầu tư ưa thích của đông đảo người dân.

Hơn nữa, khi phân khúc chung cư đã đạt mức giá cao, đất nền với pháp lý “sạch” trở nên hấp dẫn. Bên cạnh đó, nỗi lo giá đất tăng cao sau khi Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan có hiệu lực từ ngày 1/8 khiến người dân đổ xô đi đấu giá.

Ngoài ra, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 cũng “siết” phương thức phân lô, bán nền, dẫn đến nguy cơ khan hiếm đất nền nên giới đầu tư muốn nhanh chân tìm kiếm các lô đất nền để găm giữ.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là theo quy định hiện hành, tại Điều 159 Luật Đất đai 2024 quy định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với những thửa đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật sẽ là giá theo bảng giá đất.

Do bảng giá đất hiện nay tương đối thấp so với giá giao dịch trên thị trường nên giá khởi điểm để tổ chức đấu giá rất thấp, tạo ra sức hấp dẫn lớn với người dân, nhiều người cảm thấy cơ hội “thắng lớn” nếu trúng đấu giá.

Hơn nữa, tiền đặt trước để tham gia đấu giá hiện nay tính bằng 20% giá khởi điểm cũng rất thấp, dẫn đến việc người dân đăng ký ồ ạt. Tại phiên đấu giá, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao và chấp nhận mất tiền đặt trước (do giá trị tiền đặt trước thấp hơn nhiều so với cơ hội “đổi đời” nếu trúng đấu giá).

“Như vậy, việc nhiều người trúng đấu giá với giá rất cao chưa hẳn đã là dấu hiệu thổi giá. Hơn nữa, pháp luật đã có các quy định để kiểm soát việc này với những chế tài có tính răn đe cao, bao gồm cả chế tài hình sự. Nếu thực tế có chiêu trò thổi giá, người thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý tương xứng”, ông Đỉnh nói.

Cùng nhận định về sức hút của các cuộc đấu giá đất trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nguồn cung bất động sản hiện nay đang ở mức yếu, trong khi lực cầu lại rất mạnh.

Theo ông Đính, hiện nay nhu cầu mua nhà ở và đầu tư của người dân rất lớn, đặc biệt là đối với các dự án có pháp lý rõ ràng như phiên đấu giá đất tại Thanh Oai vừa qua. Đây là lý do khiến hàng nghìn người quan tâm đến vài chục lô đất, trong đó có khoảng nghìn người đã mua hồ sơ để tham gia đấu giá.

"Cung ít, cầu nhiều nên khi có nguồn cung ra thị trường, người ta đổ xô vào ngay. Nhà đầu tư đã quá khát hàng," ông Đính nhận xét.

Trước đó, trao đổi với báo chí sau cuộc đấu giá kỷ lục từ trước đến nay tại Thanh Oai, ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam (EZ Property Vietnam) đánh giá: “Tôi thấy con số hơn 100 triệu đồng/m2 đất ở Thanh Oai là mức giá rất bất thường, không đúng với giá trị thật. 

Theo ông Toản, cùng nằm trên địa bàn huyện này, song giá đất dự án ở Khu đô thị Thanh Hà có hạ tầng đầy đủ, gần trung tâm Hà Nội hơn, cũng chỉ dao động 50-70 triệu/m2.

Sang Khu đô thị An Khánh cũng ở huyện ngoại thành Hà Nội, giá nhà liền kề khoảng 80-90 triệu/m2, người mua vừa có cả đất, cả nhà. Do đó, không lý gì mà một khu đất ở vùng nông thôn, cách khá xa nội đô, xung quanh gần như đồng không mông quạnh lại có mức giá cao tới như vậy.

Theo ông Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam, trong bối cảnh thị trường chung vẫn đang rất khó khăn, đây là hiện tượng cục bộ xảy ra ở một địa phương. Không loại trừ khả năng có những hội, nhóm cùng tham gia phiên đấu giá đất để thực hiện hành vi thổi giá, tạo mặt bằng mới nhằm bán chênh các thửa đất khác. Tuy nhiên, phiên đấu giá đất vừa qua tại Thanh Oai có thể tạo ra mặt bằng giá mới phi thực tế, để lại những hệ lụy tiêu cực về lâu dài. 

“Trong trường hợp người đấu giá không bỏ cọc, tức mức giá hơn 100 triệu đồng/m2 tại Thanh Oai sẽ được ghi nhận một cách chính thức, lúc này nếu các cơ quan chính quyền căn cứ và lấy đó là một trong những tiêu chí để xây dựng, phê duyệt bảng giá đất mới thì sẽ rất bất cập”, ông Toản nhận định./.