Ông Donald Trump ngày 6/11 đã tái đắc cử Tổng thống Mỹ sau khi giành chiến thắng với gần 300 phiếu đại cử tri. Ông sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên trong một thế kỷ đảm nhận hai nhiệm kỳ tiếp.
Sau khi chiến thắng của ông được xác nhận, thế giới đang hồi hộp chờ đợi 4 năm tới với những kỳ vọng lẫn lộn. Điều gì sẽ xảy ra với thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm tới?
Trao đổi với chúng tôi, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam cho biết, trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi chính từ thương mại toàn cầu.
Dẫn số liệu thống kê, ông Jackson cho biết, giai đoạn 2017-tháng 9/2024, tổng vốn FDI đăng ký và thực hiện vào Việt Nam tăng trung bình hằng năm lần lượt là 3,3% và 1,9%. Cùng kỳ, vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam cũng theo xu hướng tăng. Trong những năm dịch Covid-19 (2020-2022), vốn đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) sụt giảm, trong khi từ Singapore đạt đỉnh.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản tiếp tục hưởng lợi từ sự dịch chuyển của dòng vốn FDI vào Việt Nam, phần nào tương ứng với xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã tăng tốc kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu vào năm 2018.
Cũng trong cùng kỳ, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ và nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng lên đáng kể.
Đáng chú ý, giao dịch bất động sản tại Việt Nam được đẩy mạnh, số thương vụ M&A của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng gần 20% trong giai đoạn 2017 – tháng 6/2024 so với thời kỳ trước khi Trump nhậm chức Tổng thống (2009-2016). Hầu hết giao dịch được ghi nhận ở phân khúc bất động sản công nghiệp, khách sạn và văn phòng.
Kỳ vọng kịch bản cũ sẽ lặp lại
Theo ông Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam, dưới thời chính quyền Trump trong vòng 4 năm tới, thương chiến được dự đoán là sẽ… khó đoán hơn.
Tuyên bố áp thuế 60% cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10-20% với tất cả hàng nhập khẩu có thể châm ngòi các động thái “trả đũa” không chỉ từ Trung Quốc mà còn từ các đối tác thương mại khác của Mỹ, chẳng hạn như Liên minh châu Âu.
Theo nghĩa nào đó, điều này có thể đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang diễn ra, thúc đẩy các chiến lược đầu tư vào các nước thân cận về mặt ngoại giao và địa lý, cũng như gia tăng phân cực thương mại trên toàn cầu.
Do đó, Việt Nam có thể hưởng lợi từ những xu hướng này, khi một số doanh nghiệp đã di dời hoặc mở rộng cơ sở sản xuất và hậu cần trong nước sẽ tiếp tục làm như vậy, nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như thâm nhập thị trường mới.
Tuy nhiên, khó có thể dự đoán liệu chính quyền Trump có trở nên cực đoan hơn bằng cách tăng thuế dựa trên xuất xứ hàng hóa (hay “quốc tịch kinh tế” của sản phẩm) hay không. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump đã dọa áp thuế 200% lên các loại xe nhập khẩu từ Mexico do có liên kết sản xuất với Trung Quốc.
Việt Nam, như trong dữ liệu phân tích ở trên, đã hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc +1 với sự tăng trưởng về nguồn vốn FDI, số lượng dự án FDI đăng ký mới, số lượng giao dịch bất động sản và sản lượng xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trump, ngay trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, đã phàn nàn về thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, đe dọa áp thuế lên sản phẩm từ Việt Nam trong bối cảnh thương chiến với Trung Quốc diễn ra khi đó.
Ông cũng nhiều lần nói rằng sẽ áp thuế lên các sản phẩm nếu được sản xuất bởi các công ty do Trung Quốc sở hữu, bác bỏ quy tắc truyền thống về xác định nguồn gốc của hàng hóa.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn chắc chắn là một trong những nền kinh tế tiềm năng nhất thế giới. Với lực lượng lao động dồi dào và chi phí nhân công vừa phải, vị trí địa lý chiến lược, chính trị tương đối ổn định và các chính sách FDI thuận lợi, Việt Nam đã có những chuyển đổi thành công trong vài thập kỷ gần đây.
Chất lượng thể chế được cải thiện dần qua các năm và Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tăng tính kết nối và nâng cao tính hiệu quả hậu cần trên toàn quốc.
Theo ước tính của S&P Global vào tháng 10/2024, nhiều khả năng Việt Nam sẽ gia nhập tốp các thị trường mới nổi có cơ hội tăng trưởng dồi dào trong thập kỷ tới (cùng với Malaysia, Thái Lan, Peru và Philippines). Vì vậy, tác động từ cuộc bầu cử Mỹ nên được xem xét trong ngắn hạn, đi cùng với cả cơ hội và thách thức. Điều quan trọng hơn cả là làm thế nào để Việt Nam thích ứng với những thay đổi của kinh tế thế giới để đạt lợi ích lâu dài.
“Việt Nam đã làm rất tốt trong quá khứ, khéo léo tận dụng các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương để đa dạng hóa giao thương, phát triển thị trường bất động sản nhờ dòng vốn đầu tư mới. Và chúng tôi hy vọng kịch bản này sẽ lặp lại”, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam bình luận.
Việt Nam có 16 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đang có hiệu lực và có quan hệ thương mại với 60 nền kinh tế trên toàn thế giới. Từ khi CPTPP có hiệu lực, giá trị FDI từ 6 thành viên CPTPP (Mexico, Nhật Bản, Canada, Singapore, New Zealand và Úc) vào Việt Nam tăng khoảng 53% vào năm 2023 so với năm 2019. Ngoài ra, giá trị FDI từ 4 quốc gia thành viên EU (Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Pháp) vào Việt Nam tăng khoảng 41% vào năm 2023 so với năm 2020, kể từ khi EVFTA có hiệu lực. |