Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Bùi Xuân Cường về đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao nối trung tâm TP.HCM với Cần Giờ, theo tờ Tuổi trẻ.

Tại văn bản trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Tài chính khẩn trương đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề xuất đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao nối trung tâm TP.HCM với Cần Giờ theo quy định.

Đồng thời chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát quy định pháp luật có liên quan trong lĩnh vực đường sắt, tham mưu, đề xuất về quy trình, thủ tục đầu tư đối với các dự án đường sắt đô thị do nhà đầu tư đề xuất (không sử dụng vốn ngân sách); báo cáo UBND TP.HCM trong tháng 7/2025.

Như vậy, với chỉ đạo trên, doanh nghiệp khi được phê duyệt đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối trung tâm TP.HCM với Cần Giờ sẽ phải sử dụng vốn tự có để đầu tư.

687a0aba86ffe.jpeg
Ảnh minh họa

Tuyến metro TP. HCM - Cần Giờ lần đầu được nhắc đến trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tập đoàn Vingroup vào đầu tháng 1/2025. Tại đây, Thủ tướng đã trao đổi với ông Phạm Nhật Vượng về ý tưởng xây dựng hệ thống tàu điện ngầm nối từ trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ. Ông Vượng bày tỏ sự đồng thuận và hào hứng với đề xuất này.

Sau đó tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào tháng 2, Thủ tướng nhấn mạnh nghiên cứu và triển khai tuyến metro TP.HCM - Cần Giờ nhằm tăng cường liên kết vùng và thúc đẩy phát triển bền vững. Đến phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo vào đầu tháng 3/2025, người đứng đầu Chính phủ đã chính thức giao nhiệm vụ triển khai dự án này cho Tập đoàn Vingroup.

Hiện Vingroup đang nghiên cứu và lập hồ sơ đề xuất dự án với nguồn vốn tự cân đối, không sử dụng ngân sách thành phố. Theo đề xuất, tuyến đường sắt sẽ là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, dài khoảng 48,5km. Tốc độ thiết kế tối đa 250km/h, tải trọng trục 17 tấn. Tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao Nguyễn Thị Thập và Lý Thục Mạn, quận 7), kết thúc tại khu đất rộng 39ha giáp khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ).

Liên quan đến việc này, mới đây, Vinspeed đã đăng tải thông tin tuyển dụng nhiều chức danh, vị trí phục vụ việc triển khai hai tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Giờ và Hà Nội – Quảng Ninh. Đây là đợt tuyển dụng lớn đầu tiên của công ty kể từ khi thành lập vào tháng 5/2025.

Được biết, ngoài các dự án trên, VinSpeed cũng đã đăng ký tham gia đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và đang chờ quyết định phê duyệt chủ đầu tư từ phía Chính phủ.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam mà VinSpeed đăng ký đầu tư có tổng mức đầu tư khoảng 1,562 triệu tỷ đồng (khoảng 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Trong đề xuất gửi Chính phủ, VinSpeed cam kết tự thu xếp 20% tổng vốn, tương đương 312.330 tỷ đồng và đề xuất vay phần còn lại từ Nhà nước với lãi suất 0% trong 35 năm.

Nếu được chấp thuận, VinSpeed kỳ vọng có thể khởi công dự án trước tháng 12/2025 và đưa vào khai thác toàn tuyến trước tháng 12/2030./.