Thông tin tuyển dụng được đăng tải cho thấy VinSpeed đang tìm kiếm nhiều vị trí chủ chốt ở các mảng kỹ thuật, công nghệ, quản lý dự án và pháp lý. Đây là đợt tuyển dụng lớn đầu tiên của công ty kể từ khi thành lập vào tháng 5/2025, với các vị trí làm việc tại trụ sở chính ở quận Long Biên, Hà Nội.

Nhiều chức danh yêu cầu trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm lâu năm trong ngành hạ tầng giao thông như trưởng phòng BIM, giám đốc tài chính dự án, chuyên gia công nghệ đường sắt, kỹ sư xây dựng hầm/cầu, trưởng phòng kỹ thuật và trưởng phòng quản lý dự án.
Các vị trí chủ chốt sẽ đóng vai trò định hình chiến lược kỹ thuật, công nghệ, xây dựng mô hình quản lý và giám sát toàn bộ quy trình đầu tư từ quy hoạch, thiết kế đến thi công, vận hành. Việc tuyển chọn đội ngũ nòng cốt này cho thấy VinSpeed đang bước vào giai đoạn chuẩn bị nhân lực để triển khai các dự án quy mô lớn.
Theo đại diện công ty, mục tiêu trước mắt là phục vụ việc triển khai hai tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Giờ và Hà Nội – Quảng Ninh. Ngoài ra, VinSpeed cũng đã đăng ký tham gia đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và đang chờ quyết định phê duyệt chủ đầu tư từ phía Chính phủ.
VinSpeed được thành lập ngày 6/5/2025 với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng góp 3.060 tỷ đồng, tương đương 51% vốn. Vingroup nắm 10%, CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam sở hữu 35%, bà Phạm Thúy Hằng – Phó Chủ tịch Vingroup – nắm 3%, hai con trai của ông Vượng là Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng mỗi người sở hữu 0,5%.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam mà VinSpeed đăng ký đầu tư có tổng mức đầu tư khoảng 1,562 triệu tỷ đồng (khoảng 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Trong đề xuất gửi Chính phủ, VinSpeed cam kết tự thu xếp 20% tổng vốn, tương đương 312.330 tỷ đồng và đề xuất vay phần còn lại từ Nhà nước với lãi suất 0% trong 35 năm.
Nếu được chấp thuận, VinSpeed kỳ vọng có thể khởi công dự án trước tháng 12/2025 và đưa vào khai thác toàn tuyến trước tháng 12/2030.
Đáng chú ý, doanh nghiệp này đang củng cố mạnh về năng lực tài chính. Ngày 27/6, VinSpeed nhận chuyển nhượng hơn 87,5 triệu cổ phiếu VIC từ ông Phạm Nhật Vượng.
Trước đó, vào ngày 10/6, công ty cũng nhận 48 triệu cổ phiếu VIC. Tổng cộng, VinSpeed đang nắm giữ 135,6 triệu cổ phiếu VIC, tương đương khoảng 3,5% vốn điều lệ của Vingroup, với giá trị ước tính hơn 12.750 tỷ đồng.
Bên cạnh các tuyến đang triển khai, Vingroup cũng đang xúc tiến đề xuất các dự án đường sắt tốc độ cao khác như Hà Nội – Quảng Ninh và Phú Mỹ Hưng – Cần Giờ (TP.HCM)./.