Dự án do Thaco đề xuất có tổng mức đầu tư hơn 1,5 triệu tỷ đồng (khoảng 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Phần này sẽ được Nhà nước thực hiện riêng thành một dự án độc lập.
Theo kế hoạch, Thaco sẽ góp 20% tổng vốn (gần 12,3 tỷ USD) bằng vốn chủ sở hữu và huy động hợp pháp trong nước. Số còn lại, khoảng 49 tỷ USD, doanh nghiệp sẽ vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Thaco kiến nghị Chính phủ bảo lãnh và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong 30 năm, được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ dự án.
Doanh nghiệp này cho biết sẽ thành lập công ty dự án, giữ cổ phần chi phối, đồng thời mời các tập đoàn trong nước cùng góp vốn. Dự án không chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài, kể cả cổ phần hay quyền khai thác.
Trước Thaco, VinSpeed cũng mong muốn tham gia đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Trong đó, VinSpeed cũng cam kết tự thu xếp 20% vốn, tương đương 12,27 tỷ USD (không gồm chi phí giải phóng mặt bằng), phần còn lại đề nghị Nhà nước cho vay 49 tỷ USD không lãi suất trong 35 năm. Công ty cũng đề xuất Nhà nước lo công tác giải phóng mặt bằng và cam kết đưa dự án vào vận hành sau 5 năm thi công.

Điều đặc biệt hiếm có của VinSpeed
Khi Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed chính thức nộp hồ sơ đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn lên tới hơn 1,56 triệu tỷ đồng (khoảng 61,35 tỷ USD), không chỉ dư luận quan tâm đến quy mô hạ tầng khổng lồ mà giới tài chính cũng đặc biệt chú ý đến cơ cấu sở hữu và chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp đứng sau.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed được đăng ký thành lập vào ngày 6/5 với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng.
Trụ sở chính của công ty được đặt tại Khu đô thị Vinhomes Riverside, quận Long Biên, TP Hà Nội. VinSpeed đăng ký 10 ngành nghề kinh doanh; trong đó, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình đường sắt, chi tiết là gồm xây dựng công trình đường sắt và xây dựng công trình công nghiệp sắt. Doanh nghiệp này do tỷ phú Phạm Nhật Vượng là Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật.
Điều đặc biệt hiếm có trong cơ cấu góp vốn của VinSpeed là sự xuất hiện của ba tầng: Cá nhân ông Vượng, gia đình ông và các pháp nhân trong hệ sinh thái Vingroup. Cụ thể, ông Vượng góp tới 3.060 tỷ đồng, chiếm đa số cổ phần. Hai người con trai của ông, mỗi người góp 30 tỷ đồng, chiếm 0,5% cổ phần. Em gái của bà Phạm Thu Hương, phu nhân ông Vượng, là bà Phạm Thúy Hằng, góp 3%. Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup góp 600 tỷ đồng (10%), còn Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, một pháp nhân có liên hệ mật thiết với Vingroup, nắm 35% cổ phần còn lại.
Quan trọng hơn, VinSpeed không đơn độc trong kế hoạch phát triển siêu dự án này. Doanh nghiệp này công khai kế hoạch phối hợp với Vingroup và Vinhomes – những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường tài chính Việt Nam hiện nay để phát triển các đô thị vệ tinh quanh nhà ga theo mô hình TOD (Transit Oriented Development). Đây chính là đòn bẩy thương mại hóa hạ tầng, nơi đường ray không chỉ để chạy tàu mà còn kéo theo bất động sản, dịch vụ và dòng tiền.
Từ ngành công nghiệp ô tô đến hệ sinh thái đa ngành
Theo thông tin từ hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) tiền thân là Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải.
Doanh nghiệp tư nhân này được thành lập tại Đồng Nai, do ông Trần Bá Dương (sinh năm 1960) là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật.
Trong lần cập nhật gần đây nhất, diễn ra gần cuối năm 2020, THACO đã tăng vốn điều lệ từ mức 16.950 tỷ đồng lên 30.510 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính từ THACO năm ngoái, tại thời điểm 30/6/2024, tập đoàn có vốn chủ sở hữu ở mức 54.260 tỷ đồng, tăng gần 4.200 tỷ đồng so với một năm trước đó.
Báo cáo cũng hé lộ hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của THACO là 2,45 lần. Quy đổi ra giá trị, khoản nợ phải trả của THACO là gần 133.000 tỷ đồng ở thời điểm giữa năm ngoái.
Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính bán niên năm ngoái của THACO ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.011 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 1.076 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
Dữ liệu kinh doanh vài năm gần đây cho thấy lợi nhuận của THACO bắt đầu giảm từ năm 2023, khi thị trường ô tô nói chung gặp nhiều khó khăn.
Trước đó năm 2022 đánh dấu một năm lãi lớn, khi tập đoàn đạt lợi nhuận ròng hơn 7.420 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2023, con số này giảm còn 2.734 tỷ đồng.
Khởi nguồn từ ngành công nghiệp ô tô, đến nay THACO đã phát triển thành một tập đoàn đa ngành, với hệ sinh thái gồm: Sản xuất công nghiệp - cơ khí, logistics - cảng biển, đầu tư hạ tầng, thương mại - dịch vụ, nông - lâm nghiệp công nghệ cao.
Tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), THACO đang vận hành tổ hợp công nghiệp hơn 1.300ha, với chuỗi nhà máy lắp ráp các dòng xe Mazda, Kia, Peugeot, xe buýt và xe tải…
Trong lĩnh vực ô tô - lĩnh vực vốn là nền tảng của THACO - hiện chiếm khoảng 32% thị phần toàn quốc.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 172/2024. Dự án có quy mô 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua 20 tỉnh thành.
Đây là một trong những công trình hạ tầng chiến lược được kỳ vọng tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Toàn tuyến được đầu tư mới khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Dự án được áp dụng hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư sơ bộ 1,713 triệu tỷ đồng (hơn 67 tỷ USD). Quốc hội yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành dự án vào 2035.