Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 15.300 tỷ đồng năm 2022
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra trước đó, doanh nghiệp đã thông qua nhiều nội dung quan trọng về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 và chiến lược phát triển năm 2022.
Theo đó, kết thúc năm 2021, ghi nhận doanh thu 5.742 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 532 tỷ đồng, giảm 69% cùng kỳ, hoàn thành 53% chỉ tiêu đề ra. Năm vừa qua, VCG vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển 3 lĩnh vực trụ cột là Xây dựng, Bất động sản và Đầu tư tài chính.
Trong năm 2022, Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt hơn 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.400 tỷ đồng, bằng lần lượt 243% và 269% so với thực hiện 2021.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng đặt chỉ tiêu tổng doanh thu công ty mẹ là 11.390 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 900 tỷ đồng, tăng lần lượt 163% và 20% so với kết quả năm trước.
Đồng thời, trong năm 2022, công ty cũng đã thông qua phương án chi trả cổ tức với tỷ lệ 28%, trong đó 18% bằng tiền mặt, 10% bằng cổ phiếu.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao này, Vinaconex vẫn sẽ tập trung vào chiến lược phát triển 3 lĩnh vực cốt lõi là Xây dựng, Bất động sản và Đầu
tư tài chính). Do đó, trong năm 2022 và các năm tiếp theo, VCG sẽ tập trung nguồn lực để M&A, đầu tư vào các công ty, dự án tiềm năng, quy mô lớn. Đồng thời thoái vốn tại các đơn vị hoạt động không hiệu quả hoặc không cần nắm giữ vốn.
Tính đến hết quý I/2022, Vinaconex đạt 1.333 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 736 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế 787 tỷ đồng.
Như vậy, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng 40% và 74% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vinaconex đạt 780 tỷ đồng, gấp 2,3 lần quý I năm ngoái.
Có thể thấy, nếu so với kế hoạch kinh doanh năm 2022, kết thúc quý I, VCG đã hoàn thành được 13% mục tiêu về doanh thu (bao gồm cả doanh thu tài chính) và 55.6% mục tiêu về lợi nhuận.
Tính đến cuối kỳ, vốn chủ sở hữu của VCG đạt 30.628 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu kỳ. Trên bảng cân đối kế toán, Công ty còn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 2.522 tỷ đồng, cao hơn gần 700 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Xét về lượng tiền mặt, công ty có 1.642 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương, đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 4.399 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 10.416 tỷ đồng. Hàng tồn kho tính đến cuối quý I đạt 3.742 tỷ đồng.
Đồng thời, nợ phải trả của VCG là 21.479 tỷ đồng, giảm 8% so với hồi đầu năm.
Sẽ triển khai những dự án trọng điểm nào trong năm nay?
Thông tin từ Vinaconex cho biết, trong năm 2021, doanh nghiệp đã trúng thầu và đang đẩy mạnh thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng nhiều dự án lớn thuộc các lĩnh vực giao thông, xây dựng dân dụng, công nghiệp với tổng giá trị trúng thầu khoảng trên 10.000 tỷ đồng, tiêu biểu là các gói thầu thuộc cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án thủy điện Yaly mở rộng; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; dự án Cung thiếu nhi; dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng.
Bên cạnh đó, VCG cũng tập trung triển khai công tác nghiên cứu lập quy hoạch và phát triển một số dự án tại các tỉnh như: Dự án khu đô thị sinh thái tâm linh Biển Hồ, Phú Yên (338 ha); dự án làng đô thị xanh Lai Nghi tại Quảng Nam (460ha); dự án khu đô thị Đồi Chè tại Cao Xanh, Quảng Ninh với quy mô gần 50 ha…, Tổng công ty tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển một số dự án tại khu vực xung quanh Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Theo kế hoạch của VCG trong năm nay, công ty sẽ triển khai công tác bán hàng của các dự án như: Dự án khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, TP Móng Cái (Quảng Ninh); dự án đại lộ Hòa Bình kéo dài tại phường Hải Hòa, TP. Móng Cái (Quảng Ninh); dự án tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond tại 93 Láng Hạ; dự án Cái giá Cát Bà; dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (tiếp tục khai thác khách hàng thuê mặt bằng và hạ tầng tại dự án tại diện tích đất còn lại).
Đáng chú ý, Vinaconex cũng dự kiến đầu tư 2.000 tỷ đồng vào ‘siêu dự án’ Cát Bà – Amatina năm 2022.
Cụ thể, thời điểm đầu năm Vinaconex đã hoàn thành việc mua thêm cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Vinaconex – ITC, chủ đầu tư dự án Cát Bà – Amatina (mã CK: VCR) lên 51%.
Ngay sau khi trở thành công ty mẹ của Vinaconex ITC, đến ngày 18/4, VCG đã thông báo Quyết định của HĐQT về việc dùng cổ phiếu VCR của chính Vinaconex ITC làm tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp này mượn lại sổ đỏ từ Sacombank để thực hiện thủ tục chuyển đổi sổ đỏ phù hợp với quy hoạch mới của dự án Cát Bà – Amatina.
Cát Bà – Amatina là dự án nghỉ dưỡng lớn nhất Hải Phòng với vốn đầu tư 1 tỷ USD, do Vinaconex ITC hợp tác đầu tư với Tổng công ty Vinaconex. Dự án này có vị trí trải dài từ thị trấn Cát Bà tới xã Trân Châu, thuộc huyện Cát Hải, TP Hải Phòng, quy mô 172ha. Dự án được phê duyệt quy hoạch vào tháng 9/2009.
Theo quy hoạch, dự án dự kiến có 7 khu resort với khoảng 800 biệt thự, 2 bến du thuyền, 1 bến tàu du lịch, trung tâm hội nghị quốc tế, khu thương mại dịch vụ quốc tế, khu thể dục thể thao, các dịch vụ giải trí đa chức năng, 6 khách sạn 5 sao và 1 khách sạn 4 sao.
Còn nhớ, thời điểm cuối năm ngoái, cùng với việc được Sacombank cấp hạn mức tín dụng 2.500 tỷ đồng, Vinaconex chính thức làm lễ động thổ tái khởi động dự án. Công ty lên kế hoạch trong năm nay sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I; đầu tư xây dựng công trình biệt thự song lập A1 (BT4), biệt thự B2, B3, trung tâm thương mại A4, văn phòng điều hành kết hợp giới thiệu sản phẩm, cổng và hàng rào dự án.
Ngoài ra, công ty sẽ khởi công xây dựng căn hộ ở - khách sạn CT01, CT02 tại dự án. Trong đó CT02 chính là dự án sẽ do Vinaconex huy động vốn và hợp tác phát triển, phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp với Vinaconex ITC.
Dấu hỏi về tình hình kinh doanh của Vinaconex trong bối cảnh cổ phiếu ‘lao dốc’
Như đã đề cập ở trên, trong năm 2022, Vinaconex sẽ tập trung nguồn lực để M&A, đầu tư vào các công ty, dự án tiềm năng, quy mô lớn. Đồng thời thoái vốn tại các đơn vị hoạt động không hiệu quả hoặc không cần nắm giữ vốn.
Vừa qua, Vinaconex đã có quyết định tái cấu trúc vốn tại CTCP Đầu tư và Dịch vụ Đô thị Việt Nam (Vinasinco). Cụ thể, VCG dự kiến hạ tỷ lệ sở hữu tại Vinasinco từ 50% (2 triệu cp) xuống còn 25%, tương đương 1 triệu cp. Việc thoái vốn sẽ được thực hiện thông qua hình thức bán trực tiếp cho nhà đầu tư quan tâm đến Vinasinco.
Được biết, Vinasinco hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà cửa và các công trình. Công ty có trụ sở tại đường Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa, quận Cầu giấy, Hà Nội.
Trước đó, VCG đã thoái bớt vốn tại một công ty con khác là CTCP Phát triển Thương mại Vinaconex (VCTD) trong quý 1/2022. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu tại VCTD giảm từ 55% xuống còn 45%, đồng nghĩa VCTD từ công ty con đã trở thành công ty liên doanh, liên kết của VCG.
Ở chiều ngược lại, VCG đã góp hơn 1.133 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (UPCoM: VCR) lên 51%, chính thức đưa công ty này vào danh sách công ty con.
Trên thị trường chứng khoán, kể từ thời điểm lập đỉnh lịch sử vào tháng 1/2022, thị giá cổ phiếu VCG đã lao dốc liên tục. Tính đến kết phiên cuối tháng 6/2022, giá cổ phiếu VCG giao dịch ở mức 18.200/ cổ phiếu (giảm khoảng 65% so với đầu năm).
Như vậy, so với thời điểm đầu năm 2022, thị giá cổ phiếu VCG đã giảm mạnh. Kéo theo vốn hóa thị trường của Vinaconex cũng giảm đáng kể. Thời điểm lập đỉnh lịch sử, vốn hóa của VCG ghi nhận đạt 22.527 tỷ đồng (ứng với thị giá thời điểm đó là 51.000 đồng/cổ phiếu). Kết phiên ngày 30/6 thị giá cổ phiếu VCG chỉ giao dịch ở mức 17.500 tỷ đồng, kéo theo vốn hóa giảm gần 14.500 tỷ xuống còn 8.039 tỷ đồng.
Trước diễn biến xấu của cổ phiếu, giới đầu tư không khỏi nghi ngại về tính khả thi trong kế hoạch đầy tham vọng của Vinaconex trong năm nay. Hơn nữa, tính đến hết quý I, doanh nghiệp đã thực hiện được 55.6% mục tiêu về lợi nhuận, trong khi mục tiêu doanh thu chỉ đạt 13%.