Ngày 15/11, Công ty Cổ phần Tập đoàn GELEX (mã chứng khoán: GEX) đã đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư cảnh giác với tin giả, tin đồn thất thiệt liên quan đến GELEX và Eximbank.
Cụ thể, theo bài đăng “Khuyến cáo nhà đầu tư cảnh giác với tin giả, tin đồn thất thiệt liên quan đến GELEX và Eximbank” của GELEX Group cho biết, gần đây, một số tài khoản mạng xã hội lan truyền các thông tin vu khống, có tính chất quy chụp với chủ đích bôi nhọ về hoạt động của Tập đoàn GELEX và cá nhân ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tập đoàn GELEX liên quan đến việc GELEX sở hữu 10% vốn điều lệ của Ngân hàng Eximbank.
Các thông tin này xuất hiện kể từ khi GELEX chính thức trở thành cổ đông lớn sở hữu 10% vốn điều lệ của Ngân hàng Eximbank và tần suất có dấu hiệu tăng lên từ khi Ngân hàng Eximbank có kế hoạch chuyển trụ sở chính ra Hà Nội.
Thông báo của GELEX Group đính chính, hiện tại, GELEX không đề cử bất kỳ đại diện vốn nào tham gia Hội đồng quản trị (HĐQT) hay Ban điều hành tại Eximbank. Và công ty này vẫn tuân thủ các quyền hạn và nghĩa vụ của một cổ đông phổ thông theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp và điều lệ Eximbank.
Tập đoàn GELEX khẳng định thêm, những thông tin đang lan truyền từ các tài khoản mạng xã hội nói trên là những tin đồn thất thiệt, vô căn cứ và nhằm bôi nhọ GELEX cũng như Lãnh đạo GELEX. Việc này đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các cổ đông GELEX.
Liên tiếp từ khi EIB công bố thông tin về cổ đông sở hữu trên 1% theo Luật các tổ chức tín dụng, các tin đồn về GELEX và lãnh đạo GELEX liên tiếp được phát tán trên mạng xã hội hay các hội nhóm đầu tư chứng khoán, gây hoang mang.
Ngày 14/11, giá cổ phiếu GEX của GELEX giảm 800 đồng, tương đương giảm 4,21%, với khối lượng giao dịch hơn 12 triệu cổ phiếu. Đây cũng là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ khi GELEX sở hữu 10% vốn điều lệ tại EIB và cũng là ngày ghi nhận hàng loạt tin đồn không kiểm chứng về GELEX và lãnh đạo doanh nghiệp này.
Tính từ ngày 12/8, thời điểm GELEX công bố thông tin về việc trở thành cổ đông lớn của EIB, thị giá GEX ở mức 21.500 đồng, đến ngày 14/11 thị giá GEX còn 18.200 đồng, tương đương giảm 15.3%. Ước tính, vốn hoá của GELEX đã giảm hơn 2.8 ngàn tỷ đồng.
Tập đoàn GELEX khuyến nghị các nhà đầu tư cần nhìn nhận, phân tích và đánh giá toàn diện về các yếu tố kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tiếp nhận các thông tin chính thống từ doanh nghiệp, đặc biệt cẩn trọng với tin đồn thất thiệt, thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng với quyết định đầu tư.
GELEX cũng nhấn mạnh sẽ làm việc với cơ quan chức năng để xác thực nguồn gốc các tin đồn cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề có liên quan, nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Tập đoàn GELEX, các cổ đông, các nhà đầu tư.
Không chỉ Tập đoàn GELEX, thời gian qua, cổ phiếu EIB cũng “điêu đứng” trước tin đồn trên mạng xã hội về một văn bản "kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank" vào ngày 14/10 vừa qua.
Điều này dẫn đến việc, cổ phiếu EIB bị bán tháo trong phiên 14/10 với lượng thanh khoản cao kỷ lục, hơn 99,7 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 5,35% vốn của Eximbank được giao dịch với tổng giá trị 1.827 tỷ đồng.
Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất trong gần 2 năm trở lại của EIB, kể từ phiên 17/11/2022. Kết phiên 14/10, cổ phiếu EIB giảm 4,45% so với tham chiếu xuống còn 18.250 đồng/cổ phiếu. Phiên 15/10 thị giá EIB tiếp tục giảm về 18.200 đồng/cổ phiếu.
Sự việc đã gây ảnh hưởng không nhỏ, ngay sau đó, Eximbank phải chính thức lên tiếng về "Đơn kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank" không phải là văn bản của Ban Kiểm soát Eximbank và không xuất phát từ ngân hàng.
Eximbank khẳng định, tài liệu này chưa được xác thực và không rõ nguồn gốc. Ngân hàng vẫn đang hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng và đối tác. Các số liệu tài chính của Eximbank luôn được công khai minh bạch và được kiểm toán độc lập theo tiêu chuẩn quốc tế.
Các chỉ số tài chính quan trọng hiện đang ở mức an toàn cao và ổn định, đáp ứng tốt các yêu cầu về vốn, thanh khoản và hoàn toàn có khả năng chịu đựng trước các rủi ro thị trường. Ngân hàng luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đảm bảo sự minh bạch trong mọi hoạt động.
Cùng chịu chung số phận, trước đó, thị trường chứng khoán bất ngờ chứng kiến đà giảm mạnh của bộ đôi cổ phiếu TCH của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy và HHS của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy vào đầu tháng 8 vừa qua.
Theo đó, đà giảm mạnh của bộ đôi cổ phiếu này diễn ra trước tin đồn xuất hiện trên nhiều hội nhóm, tư vấn đầu tư chứng khoán về văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên quan đến cổ phiếu TCH đang bị điều tra giao dịch trong giai đoạn 2021-2022, đồng thời khuyến nghị chung là dừng mua thêm và bán bớt ra để tránh rủi ro giá giảm vì bị bán theo tin. Điều này khiến không ít nhà đầu tư hoang mang.
Trước tin đồn đó, nhà đầu tư đua lệnh bán khiến 2 mã cổ phiếu trên giảm kịch sàn. Trước đó, vào phiên 8/8/2024, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (Mã TCH-HOSE) cũng đã từng bị bán tháo về mức giá 16.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 6,74% so với phiên trước, lượng cổ phiếu dư bán chất giá sàn lên tới gần 13 triệu đơn vị. Vốn hóa của công ty này “bốc hơi" khoảng 1.000 tỷ đồng.
Còn thị giá HHS cũng tương tự, giảm 6,92% xuống mức 8.610 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phiếu dư bán giá sàn khoảng 2 triệu đơn vị với tình trạng trắng bên mua.
Một doanh nghiệp khác là Vingroup cũng là “nạn nhân” của tin đồn cách đây vài năm. Với quy mô và sức ảnh hưởng của doanh nghiệp này, ngày 11/7/2022, thị trường chứng khoán rúng động trước tin đồn liên quan Chủ tịch tập đoàn Vingroup bị cấm xuất cảnh. Trên khắp các diễn đàn chứng khoán, tin đồn thất thiệt về doanh nhân này xuất hiện với tần suất dày đặc, tràn lan.
3 mã cổ phiếu của doanh nghiệp lập tức lao dốc ngay từ khi mở cửa phiên; thị giá của các cổ phiếu này mất 3-5% so với phiên trước, có mã có thời điểm nằm sát giá sàn. Chỉ tính riêng thời điểm đó, vốn hóa thị trường của 3 cổ phiếu này mất hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo thống kê của Forbes, chỉ trong một phiên giao dịch, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã giảm mất gần 300 triệu USD, còn cá nhân tung tin đồn chỉ bị phạt 7,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Công an phát đi thông tin khẳng định tin đồn liên quan đến ông Vượng là thất thiệt, nhóm cổ phiếu này mới hãm đà rơi và hồi phục.
Trong bối cảnh hiện nay, khi phần lớn dòng tiền trên thị trường chứng khoán đến từ các nhà tư nhân cá nhân, vốn dễ dàng được chi phối bởi cảm xúc. Chính vì vậy, những tin đồn thất thiệt dễ dàng tạo ra hiệu ứng tâm lý đám đông, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp "nạn nhân" cũng như nhiều nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều doanh nghiệp bị cuốn bay hàng ngàn tỷ vốn hóa chỉ sau một tin đồn trên mạng xã hội.
Ngày 12/11, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã đánh giá, hậu quả của tin giả, tin sai sự thật là khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, là mối đe dọa đến kinh tế - xã hội, và thậm chí đe dọa đến chủ quyền quốc gia, an ninh toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng, có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán, nhưng các quy định còn thiếu tính định lượng để xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật trên mạng. Bộ Công an kiến nghị không cần xem xét đến hậu quả xảy ra với những hành vi này để chúng ta xử phạt đủ sức răn đe./.