Thị trường chứng khoán khởi sắc về cuối phiên ngày 22/7 giúp VN-Index vượt mốc 1.500 điểm và đóng cửa tại 1.509,54 điểm, tăng mạnh hơn 24,4 điểm so với phiên trước. Đà phục hồi này diễn ra sau một phiên điều chỉnh và được dẫn dắt chủ yếu bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Các mã thuộc họ Vingroup đóng góp đáng kể vào mức tăng của chỉ số. VIC (Vingroup) tăng 4,91%, VHM (Vinhomes) tăng 3,8% và VRE (Vincom Retail) tăng 3,45%. Đáng chú ý, VJC (Vietjet Air) là cổ phiếu duy nhất trong nhóm VN30 tăng trần, lên mức 101.700 đồng/đơn vị. Đến cuối phiên, mã này vẫn dư mua giá trần với hơn 2 triệu cổ phiếu, cho thấy lực cầu mạnh mẽ từ nhà đầu tư.
Việc cổ phiếu Vietjet tăng vọt đã giúp giá trị tài sản ròng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo tăng lên 2,8 tỷ USD. Bà tiếp tục giữ vị trí là nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam có mặt trong danh sách tỷ phú USD toàn cầu do Forbes công bố, đồng thời là người giàu thứ hai tại Việt Nam hiện nay.
Đà tăng ấn tượng của cổ phiếu VJC không chỉ phản ánh xu hướng thị trường chung, mà còn đến từ loạt thông tin tích cực liên quan đến Vietjet trong thời gian gần đây.
Cụ thể, hãng hàng không này đã trúng thầu gói hợp đồng hơn 1.500 tỷ đồng tại sân bay Long Thành để kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng máy bay. Hạng mục dự kiến khai thác từ năm 2026 đến hết ngày 31/12/2050.
Tại Hội nghị Techcombank Investment Summit 2025 diễn ra sáng 9/7, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ, các nhà đầu tư đồng hành cùng Vietjet từ khi niêm yết trên HoSE đã chứng kiến giá trị cổ phiếu tăng khoảng 5 lần. Những ai gắn bó từ giai đoạn sớm hơn, cách đây khoảng 5 năm, thì mức tăng trưởng lên đến gần 100 lần.
Tính từ khi thành lập, Vietjet đã vận chuyển hơn 220 triệu lượt hành khách, riêng năm 2024 là 28 triệu lượt, trong đó gần 10 triệu là khách quốc tế.
Không chỉ tập trung vào lĩnh vực hàng không, Vietjet cùng các công ty thành viên và đối tác trong Tập đoàn Sovico đang mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực chiến lược, với tổng vốn đề xuất lên tới hàng trăm tỷ USD đến năm 2033. Hãng đã ký kết hàng loạt hợp đồng với các tập đoàn lớn toàn cầu như Boeing, General Electric (GE), Pratt & Whitney, RTX, Honeywell, SpaceX và Airbus.
Về hoạt động đầu tư, mới đây, Công ty Cổ phần Aviation đã mua thêm 25 triệu cổ phiếu VJC, nâng tổng sở hữu lên 35 triệu đơn vị, tương đương 5,92% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn. Đồng thời, Vietjet cũng hoàn tất đợt chào bán 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 100.000 đồng/cp, thu về hơn 4.900 tỷ đồng. Trong đó, Aviation mua 25 triệu cổ phiếu, còn lại do CTCP Đầu tư Dynamic & Development nắm giữ, chiếm 4,23% vốn.
Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của Vietjet tăng từ hơn 5.416 tỷ đồng lên hơn 5.916 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Vietjet vừa bổ nhiệm ông Philipp Rösler – cựu Phó Thủ tướng Đức gốc Việt vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022–2027. Đây được xem là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển toàn cầu của hãng.
Về kết quả kinh doanh, quý I/2025, Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất gần 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 836 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Với loạt thông tin tích cực và chiến lược mở rộng mạnh mẽ, Vietjet đang chứng minh sức bật ấn tượng cả trên sàn chứng khoán lẫn trong hoạt động kinh doanh thực tiễn./.