Năm 2022, bà Nguyễn Phương Thảo, CEO hãng hàng không Vietjet tiếp tục lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn. Bà cũng là đại diện nữ duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách này.
Trước đó, tháng 3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,2 tỷ USD. Bà cũng là một trong 15 nữ tỷ phú tự thân mới trong danh sách của Forbes trong năm này. Và sau 5 năm, khối tài sản của bà đã lên tới 3,1 tỷ USD khi kết thúc năm 2022, xếp hạng 984 thế giới.
Sinh năm 1970 tại Hà Nội, bà Thảo từng có khoảng thời gian học tập và khởi nghiệp tại Đông Âu trước khi trở về Việt Nam và đầu tư vào mảng ngân hàng, bất động sản.
Sự nhanh nhạy với thị trường của nữ doanh nhân cùng xu thế mở cửa cho tư nhân đã giúp bà Thảo nhanh chóng thành công và khẳng định vị thế trong hàng loạt lĩnh vực như bất động sản (với Tập đoàn Sovico), tài chính – ngân hàng (với HDBank) và cả hàng không (với Vietjet Air).
Hiện nữ tỷ phú đang giữ ghế lãnh đạo tại một loạt các doanh nghiệp lớn bao gồm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Sovico, Phó chủ tịch thường trực HDBank, đồng thời là Tổng giám đốc CTCP Hàng không Vietjet.
Ngoài ra, bà Thảo còn đang giữ nhiều chức vụ quan trọng tại một loạt các doanh nghiệp lớn khác như HD Saison, Galaxy One, Sunny Hướng Dương,…
Tại Vietjet Air, bà Thảo đang là cổ đông lớn cá nhân duy nhất tại đây với việc nắm giữ gần 47,5 triệu cổ phiếu, tương đương 8,76% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, Sunny Hướng Dương - công ty riêng của bà Thảo đang nắm gần 155 triệu đơn vị, tương đương 28,57% vốn.
Với mức giá đang được giao dịch quanh 97.000 đồng/cổ phiếu, ước tính tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã đạt hơn 19 nghìn tỷ đồng tại VietJet thông qua việc sở hữu trực tiếp và gián tiếp từ Sunny Hướng Dương.
Con số trên chưa tính đến việc nữ tỷ phú còn đang gián tiếp nắm giữ cổ phiếu VJC thông qua một cổ đông lớn khác là Sovico, nơi bà đang giữ ghế Chủ tịch HĐQT và là người đại diện phần vốn góp tại VJC. Hiện Sovico đang nắm hơn 41 triệu cổ phiếu, tương đương 7,59% vốn điều lệ. Tính theo thị giá, lượng cổ phiếu mà doanh nghiệp này nắm giữ trị giá gần 4 nghìn tỷ đồng.
Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, với 15 năm làm việc tại HDBank trong lịch sử hơn 30 năm hoạt động của ngân hang, bà Thảo hiện đang giữ ghế Phó Chủ tịch thường trực. Đồng thời, bà cũng trực tiếp nắm giữ gần 94 triệu cổ phiếu HDB, tương ứng 3,722% vốn ngân hàng.
Trong khi đó, công ty Sovico nắm hơn 363 triệu đơn vị, tương đương 14,36% vốn ngân hàng. Theo đó, tổng lượng cổ phiếu mà bà Thảo và công ty liên quan nắm giữ tại HDBank lên tới khoảng 457 triệu cổ phiếu (hơn 18% vốn), với tổng giá trị khoảng gần 8.500 tỷ đồng.
HDBank sau khi sáp nhập với Ngân hàng Đại Á trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Việt Nam với quy mô vốn điều lệ đến cuối năm 2022 ở mức 25.303 tỷ đồng và tổng tài sản ở mức trên 416 nghìn tỷ đồng.
Trong lĩnh vực bất động sản – du lịch, Sovico Group và bất động sản Phú Long của nữ tỷ phú là những doanh nghiệp dù chưa lên sàn nhưng đã rất nổi tiếng trong giới bất động sản trong nước.
Đáng chú ý, Sovico Group là cái tên khá quen thuộc trên thị trường trái phiếu khi liên tiếp huy động lượng trái phiếu lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng trong vài năm qua nhằm thực hiện tài trợ vốn cho các dự án, chương trình đầu tư và tăng quy mô vốn hoạt động.
Thông qua công ty thành viên, Sovico thực hiện nhiều dự án tại TP HCM như Dragon Riverside (quận 5), Dragon Village (TP Thủ Đức), Dragon Hill Residence and Suites (Nhà Bè), Republic Plaza (Tân Bình)...
Với bất động sản nghỉ dưỡng, Sovico còn sở hữu hàng loạt dự án nghỉ dưỡng ở Nha Trang - Khánh Hòa, Đà Nẵng như L'alya Ninh Vân Bay, Pax Ana Dốc Lết, Ariyana Smart Condotel, Ana Mandara Cam Ranh, Furama Đà Nẵng, Furama Villa, Ariyana Beach Resort & Suites…
Dù đang làm chủ một loạt các doanh nghiệp lớn, hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng bà Phương Thảo khẳng định, kiếm tiền chưa bao giờ là mục tiêu của mình.
Đảm nhiệm hai vị trí Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc tại Vietjet Air, ước tính bà Thảo có thể nhận được lương và thù lao trung bình khoảng 240 triệu đồng/tháng theo con số công bố trong BCTC quý 4/2022 của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đại diện VietJet Air, toàn bộ thù lao này được bà Thảo chuyển cho các hoạt động từ thiện.
“Tôi chưa bao giờ ngồi tính toán cụ thể xem mình có bao nhiêu tiền. Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào để công ty phát triển tốt, thu nhập của nhân viên tăng lên”, nữ tỷ phú cho biết.