Thông tin trên được Công ty chứng khoán Vndirect cho biết tại Báo cáo Thị trường trái phiếu năm 2022.

Theo báo cáo trên, trong năm 2022, tổng giá trị phát hành trái phiếu đạt 269.733 tỷ đồng, giảm 64%; trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm 97% (đạt 261.934 tỷ đồng), phát hành ra công chúng đạt 7.799 tỷ đồng.

Tài chính – ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 56% tổng giá trị phát hành (GTPH) năm 2022 đạt 151.141 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ (svck). Nhóm bất động sản (BĐS) ghi nhận mức sụt giảm 79%, chỉ đạt 62.310 tỷ đồng, chiếm 23% tổng GTPH. Nhóm tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 6,5% và 14,3% tổng GTPH trong 2022.

Áp lực đáo hạn tập trung vào quý 2- 3/2023

Theo báo cáo, trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn TPDN sẽ đạt khoảng 272.853 tỷ đồng (+76,6% svck); trong đó, BĐS là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riếng lẻ, tiếp đó là ngành tài chính – ngân hàng với 37% và ngành khác là 25,5%.

Nguồn Vndirect.

Riêng nhóm tài chính – ngân hàng, báo cáo cho biết, tổng giá trị đáo hạn trong 2023 sẽ có khoảng 100.824 tỷ đồng (+55,0% svck ). Các tổ chức tài chính có giá trị đáo hạn cao nhất trong 2023, gồm:NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 13.650 tỷ đồng và NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với 9.900 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng đi ngược xu thế chung

Khảo sát của chúng tôi cho thấy, đến cuối năm 2022, 27 ngân hàng niêm yết đang nắm giữ khoảng hơn 215 nghìn tỷ đồng TPDN, giảm khoảng 11% so với cuối năm trước, trong đó có 14 thành viên ghi nhận lượng trái phiếu nắm giữ giảm trong năm qua. Nhiều thành viên thậm chí đã “xả” hết lượng TPDN nắm giữ trên bảng cân đối kế toán của mình như LienVietPostBank, ACB, Eximbank, Vietcapitalbank, PGBank, Saigonbank, NCB,…

Với những ngân hàng vẫn đang còn nắm giữ, SeABank là một trong những thành viên ghi nhận lượng TPDN giảm mạnh nhất trong năm qua với mức giảm tới hơn 84%, từ 6.120 tỷ đồng cuối năm 2021 xuống còn 965 tỷ đồng khi kết thúc năm 2022.

Tương tự, tại VietinBank, lượng TPDN nắm giữ giảm từ 9.979 tỷ đồng xuống còn 4.679 tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 53% trong vòng 1 năm qua.
Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lượng TPDN giảm mạnh trong năm qua như VietBank (-36,4%), Baovietbank (-38,3%), HDBank (-57,9%),…

Dù vậy, một số thành viên vẫn đi ngược xu thế chung khi ghi nhận lượng TPDN nắm giữ tăng vọt trong năm qua.

SHB là một ví dụ. Chỉ trong một năm qua, lượng TPDN ngân hàng này nắm giữ đã tăng gấp tới hơn 2 lần, từ 6.097 tỷ đồng lên 13.185 tỷ đồng. Tương tự, OCB cũng tăng gần gấp đôi lượng TPDN, lên 2.989 tỷ đồng, BacABank tăng tới gần 70% lượng trái phiếu năm giữ vào cuối năm 2022, lên 3.730 tỷ đồng….

Nguồn: BCTC quý 4/2022 của các NHTM, Trung Kiên tổng hợp.

Xét về giá trị tuyệt đối, MB đã vươn lên trở thành ngân hàng đứng đầu hệ thống về số lượng TPDN nắm giữ khi lượng TPDN nắm giữ đến cuối năm 2022 đã lên tới 46.869 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ đồng, tương đương 10,6% so với con số cuối năm 2021. Lượng trái phiếu này đang chiếm tỷ trọng 6,43% trong tổng tài sản của ngân hàng.

Trong khi đó, Techcombank lui về vị trí thứ hai, với lượng trái phiếu doanh nghiệp trị giá 41.015 tỷ đồng, giảm 34,5% so với năm trước, chiếm gần 5,9% tổng tài sản, giảm mạnh so với tỷ trọng tới 11% hồi cuối năm trước.

VPBank, TPBank, SHB, BIDV và Vietcombank cũng là những ngân hàng đang nắm lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, với giá trị trên 10.000 tỷ đồng ở mỗi thành viên.

Riêng ABBank, do ở kỳ báo cáo cuối năm 2022 ngân hàng không tách bạch rõ khoản mục Chứng khoán đầu tư ở mục Thuyết minh nên chưa rõ con số cụ thể lượng TPDN mà ngân hàng nắm giữ.

Con số cập nhật mới nhất của ngân hàng đến cuối tháng 6/2022, ABBank đang nắm tổng cộng 6.359 tỷ đồng TPDN, giảm 33% so với cuối năm trước, tuy nhiên, vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng tài sản ngân hàng, ở mức 4,9%.

Xét về tỷ trọng TPDN/tổng tài sản, BaoVietBank đang dẫn đầu hệ thống với việc lượng TPND nắm giữ chiếm tới gần 9,8% tổng tài sản. TPBank đứng thứ 2 với tỷ trọng 6,6%, tại MB là 6,4%, Techcombank là gần 5,9%, VPBank 5,2%,…