Moody's đã hạ xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngoại tệ LT (FC) và nội tệ (LC) của Techcombank từ Ba2 xuống Ba3, đồng thời, xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) và BCA điều chỉnh từ Ba2 xuống Ba3, xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) xuống Ba2 từ Ba1 và đánh giá rủi ro đối tác LT (CR) xuống Ba2(cr) từ Ba1(cr).

Đồng thời, cơ quan này cũng quyết định hạ triển vọng từ ổn định xuống tiêu cực đối với xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngân hàng LT FC và LC của Techcombank.

Moody's cho biết, việc hạ bậc xếp hạng của Techcombank phản ánh kỳ vọng của cơ quan này rằng áp lực mà ngành bất động sản Việt Nam phải đối mặt sẽ tác động tiêu cực đến sức mạnh tín dụng độc lập của ngân hàng, do Techcombank có mức độ rủi ro cao đối với lĩnh vực này.

Cơ quan này cũng nhấn mạnh, việc hạ bậc tín nhiệm Techcombank lần này không liên quan đến các sự cố gần đây của 2 ngân hàng Hoa Kỳ và Credit Suisse Group AG.

Tính đến cuối tháng 12/2022, các khoản cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng chiếm tới 29% tổng dư nợ cho vay của Techcombank. Ngoài ra, ngân hàng này cũng liên quan đến các lĩnh vực này dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp. Tổng trái phiếu doanh nghiệp chiếm 6% tổng tài sản Techcombank vào cuối năm 2022.  

Moody’s cũng lưu ý, một số khoản đầu tư lớn của ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản có quy mô đáng kể so với vốn chủ sở hữu chung hữu hình và có thể gây biến động cho khả năng sinh lời và vốn của ngân hàng nếu chúng trở thành tài sản có vấn đề.

Số lượng các công ty bất động sản ở Việt Nam buộc phải tuyên bố phá sản đã gia tăng kể từ năm 2022 do các quy định chặt chẽ hơn liên quan đến việc phát hành trái phiếu. Doanh số bán bất động sản cũng yếu đi vì lãi suất tăng đã làm giảm khả năng chi trả tín dụng của người đi vay.

“Những yếu tố này đã làm suy yếu khả năng trả nợ của các nhà phát triển bất động sản, đặc biệt là những công ty có đòn bẩy cao với một lượng lớn trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 và 2024. Do đó, chất lượng tài sản của Techcombank có thể xấu đi do tập trung vào lĩnh vực này”, Moody’s nhận định.

Theo đánh giá của Moody’s, nguồn vốn và thanh khoản của Techcombank vẫn đủ trong môi trường hiện tại nhưng cũng dễ bị tổn thương trước những cú sốc niềm tin như các ngân hàng Việt Nam khác.

Quỹ thị trường chiếm 29% tài sản ngân hàng hữu hình vào cuối năm 2022, tăng từ mức 26% một năm trước đó. Mặc dù sự phụ thuộc của ngân hàng vào các quỹ thị trường được dự đoán sẽ giảm trong 12 - 18 tháng tới khi ngân hàng tập trung vào việc thu hút tiền gửi của khách hàng cố định, nhưng Moody’s cho rằng, cạnh tranh tiền gửi sẽ dẫn đến tăng chi phí huy động vốn.

Các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt, tiền gửi tại ngân hàng trung ương và trái phiếu chính phủ đã tăng lên 8% tổng tài sản hữu hình của Techcombank tính đến cuối năm 2022 từ mức 5% một năm trước đó, nhưng vẫn ở mức khiêm tốn.

“Triển vọng tiêu cực phản ánh sự không chắc chắn liên quan đến lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam. Theo đó, nếu tình trạng căng thẳng trong lĩnh vực này vẫn còn tiếp diễn, sức mạnh tín dụng độc lập của ngân hàng sẽ còn bị ảnh hưởng hơn nữa”, Moody’s nhấn mạnh.