Đó là nhận định vừa được Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt đưa ra tại Báo cáo cập nhật về kết quả kinh doanh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã:TCB).
Tại báo cáo vừa phát hành, VDSC cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Techcombank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng khá khiêm tốn so với các năm trước, ở mức 11,7%.
Đến cuối quý 3/2022, cho vay khách hàng tăng 18,2% trong khi trái phiếu doanh nghiệp giảm 30%, dẫn đến tăng trưởng tín dụng ở mức 10,7%. Tuy nhiên, mặc cho hạn mức khiêm tốn, TCB đã mở rộng bảng cân đối thông qua việc tăng L/C UPAS (trả chậm) trong quý 3/2022 (+ 107% từ đầu năm đến nay).
Về cơ cấu cho vay, báo cáo cho biết, mặc dù đã chuyển hướng sang nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ và bán lẻ, TCB vẫn tiếp tục giải ngân cho các khoản vay mua nhà mạnh.
Vào cuối tháng 9/2022, dư nợ cho vay mua nhà và chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, xây dựng, nguyên vật liệu chiếm khoảng 82% và 68% trong dư nợ cho vay của doanh nghiệp và bán lẻ, tương ứng.
>>> Đọc thêm: Sắp phải mua lại 15.400 tỷ đồng trái phiếu, Techcombank đứng đầu doanh nghiệp có giá trị đáo hạn lớn nhất
Theo báo cáo, tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tiền gửi và tín dụng của khách hàng của TCB có một khoảng cách nhất định, khoảng 8% tính đến ngày 28/10, do cung tiền giảm; tiền gửi của hộ gia đình và doanh nghiệp đã được rút ra để phục vụ nhu cầu chi tiêu và đầu tư trong bối cảnh dư địa tín dụng bị hạn chế hoặc vòng quay tiền tương đối chậm.
Tỷ lệ CASA giảm 400 điểm cơ bản xuống 46,5 /-100 điểm cơ bản theo quý trong bối cảnh lãi suất huy động tăng. Do đó, TCB khó có thể duy trì mức CASA cao trong thời gian tới.
Trong quý 3/2022, chất lượng tài sản giảm nhẹ do giai đoạn cơ cấu các khoản vay liên quan đến Covid đã kết thúc, tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 0,6% trong quý 2 lên 0,65% trong quý 3, nhưng không đổi so với đầu năm.
Trong đó, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm đóng góp chính vào tỷ lệ nợ xấu, tăng từ 0,7% trong quý 1 lên 0,8%/1% trong quý 2/3 năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng trong quý 3 tăng đáng kể lên hơn 450 tỷ đồng so với 21 tỷ trong quý 2/2022. Tuy nhiên, chi phí tín dụng biên đã giảm xuống 0,41% trong quý 3/2022 từ 0,44% trong quý 2/2022 và 0,69% vào cuối năm 2021.
Động lực tăng trưởng có thể chậm lại trong những quý tới
Đáng chú ý, tại báo cáo vừa phát hành, đánh giá về khả năng hoạt động của Techcombank trong những tháng cuối năm, VDSC cho biết, trong những quý tiếp theo, trong bối cảnh thị trường trái phiếu hiện tại tương đối khó khăn so với giai đoạn 2020-2021, phí bảo lãnh và liên quan đến phát hành trái phiếu của TCB sẽ chịu áp lực giảm cho đến khi thị trường trái phiếu có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Ngoài ra, vì là tăng trưởng mạnh dựa trên sự hưng thịnh của thị trường bất động sản, hoạt động kinh doanh được lợi từ hệ sinh thái liên quan đến bất động sản trong những năm qua, nên VDSC e ngại rằng, sự tăng trưởng của TCB cũng sẽ hãm lại trong những quý tiếp theo.
“Điều quan trọng nhất là chất lượng tài sản của TCB cũng sẽ có khả năng suy giảm dần khi thị trường bất động sản đi vào giai đoạn trầm lắng. Thị trường bất động sản được dự báo sẽ tương đối khó khăn khi lãi suất ngày càng tăng và sự hạn chế về nguồn vốn từ cả vốn vay và trái phiếu doanh nghiệp theo nghị định 65. Do đó, chất lượng tài sản của TCB có khả năng suy giảm khi thị trường bất động sản có sự điều chỉnh mạnh”, báo cáo nêu rõ.