Doanh thu tăng bằng lần

Như bài kỳ trước đã phản ánh, dù đã có nhiều cảnh báo từ các cơ quan quản lý, tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian gần đây.

Một số ngân hàng như TPBank hay Techcombank, SCB liên tục bị “tố” bán bảo hiểm đội lốt "tiết kiệm đầu tư". Theo phản ánh của một số khách hàng, họ đã không được nhân viên những ngân hàng này tư vấn một cách trung thực và đầy đủ, dẫn đến việc bị nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng.

Bên cạnh việc tư vấn “nhầm” các sản phẩm tiết kiệm sang sản phẩm bảo hiểm, gần đây, nhiều khách hàng còn phản ánh thực trạng đi vay ngân hàng bị bắt buộc phải mua kèm bảo hiểm.

Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022, nhiều nhà băng với lý do đã hết room tín dụng đã "ép" khách hàng phải mua các gói bảo hiểm tương đương 3-5% giá trị khoản vay mới được giải ngân.

Vốn là “gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng trong những năm gần đây khi việc bán chéo bảo hiểm vừa giúp ngân hàng gia tăng nguồn thu, vừa tận dụng những khách hàng mua bảo hiểm để đẩy mạnh dịch vụ gửi tiết kiệm, cho vay qua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Doanh thu từ mảng này của các ngân hàng theo đó cũng tăng vọt theo từng năm.

TPBank là một ví dụ. Nếu như những năm 2015, 2016, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của ngân hàng này còn chưa đạt nổi 1 tỷ đồng thì đến cuối năm 2022, con số này đã vọt lên 877 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng tới hơn 1.754 lần chỉ trong vòng 8 năm.

Tỷ trọng doanh thu từ mảng này trong tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ theo đó đã tăng mạnh từ 0,5% năm 2015 lên tới 24,4% khi kết năm 2022.

Doanh thu từ hoạt động bancassurance của TPBank đặc biệt tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp khá lớn vào đà tăng trưởng của ngân hàng này trong vài năm trở lại đây, sau khi ký kết thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm với Sun Life Việt Nam từ cuối năm 2019.

Tương tự, tại Techcombank, sau khi ngân hàng này ký hợp đồng độc quyền bancassurance 15 năm với “ông lớn” Manulife Việt Nam hồi năm 2017, doanh thu từ mảng này đã có những bước nhảy vọt lớn.

Theo đó, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm năm 2017 chỉ đạt 513 tỷ đồng, tương đương chiếm tỷ trọng 10,4% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ lên 1.751 tỷ đồng khi kết thúc năm 2022, tương đương mức tăng 3,4 lần, tỷ trọng trong tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng tăng lên 16,2%.

Riêng SCB, ngân hàng bị tố cáo "hô biến" tiết kiệm thành bảo hiểm chưa công bố doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm trong năm 2022. Báo cáo tài chính mới nhất của SCB là quý II/2022, không có chi tiết doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm.

Nửa đầu năm 2022, SCB chỉ cho biết, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của SCB là 1.839 tỷ đồng, lãi thuần 1.149 tỷ đồng. Năm 2021, doanh số bảo hiểm nhân thọ của SCB đạt 1.028 tỷ đồng, thuộc nhóm dẫn đầu trên thị trường.

Nguồn: BCTC của các ngân hàng.

Sẽ bị xử lý nghiêm!

Có thể thấy, việc bán chéo sản phẩm bảo hiểm đang đóng góp một phần không nhỏ trong tổng thu nhập của các nhà băng. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh của kênh này đã phát sinh một số bất cập về chất lượng dịch vụ.

Nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Điều này khiến cho rất nhiều khách hàng vốn đang gặp khó khăn lại càng thêm khó.

Những hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến, theo đó, càng cần sự quản lý, giám sát chặt chẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý.

Bộ Tài chính mới đây cho biết, sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước thì cho biết, đang khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ, đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên, đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm và TCTD chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này. NHNN đồng thời cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân, doanh nghiệp có thể trực tiếp phản ánh các trường hợp vi phạm.