Theo báo cáo tài chính được công bố, năm 2022, Vietcombank đạt gần 37.359 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tăng 35,9% so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra hồi đầu năm.

Với kết quả trên, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận toàn hệ thống trong năm thứ 5 liên tiếp, bỏ xa hai nhà băng đứng kế sau là Techcombank (25.600 tỷ) và BIDV (23.058 tỷ đồng).

Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng trong năm 2022 đến từ thu nhập lãi thuần tăng gần 11.000 tỷ và giảm chi phí dự phòng rủi ro hơn 2.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính quý 4/2022, lượng tài sản thế chấp tại Vietcombank trong năm 2022 đã tăng thêm hơn 477.000 tỷ đồng (tăng 29,2%), lên trên 2,11 triệu tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên quy mô tài sản thế chấp tại Vietcombank vượt mốc 2 triệu tỷ.

Trong đó, bất động sản là cấu phần lớn nhất, chiếm gần 74% tổng lượng tài sản thế chấp tại Vietcombank với hơn 1,56 triệu tỷ. So với cuối năm 2022, lượng bất động sản thế chấp tại Vietcombank đã tăng thêm gần 397.000 tỷ và là bộ phận có tốc độ tăng nhanh nhất.

Vietcombank cũng nhận gần 167.170 tỷ đồng tiền gửi làm tài sản thế chấp, tăng 28.300 tỷ so với cuối năm 2021. Trong khi lượng tài sản bảo đảm là giấy tờ có giá giảm gần 16.600 tỷ, xuống còn 46.448 tỷ đồng.

Các loại tài sản thế chấp khác tại Vietcombank có giá trị 336.252 tỷ đồng, tăng hơn 68.000 tỷ trong năm 2022 và chiếm tỷ trọng 15,9%.

Tài sản thế chấp tại Vietcombank. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2022).

Liên quan đến vấn đề này, tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tương chủ trì ngày 17/2, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB) cho biết, trong năm 2022, tín dụng đối với bất động sản (BĐS) của toàn ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế với dư nợ ở mức 2,58 triệu tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2022, tăng khoảng 24,3% so với thời điểm cuối năm 2021.

Về phía VCB, lĩnh vực BĐS có định hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào BĐS phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, BĐS để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng.

Tại VCB, lĩnh vực BĐS được chia thành 4 phân khúc và đối với từng phân khúc, Vietcombank đã xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp cho từng phân khúc khách hàng cũng như phân khúc sản phẩm trên thị trường; thực hiện rà soát, cập nhật kịp thời theo triển vọng, mức độ rủi ro đối với từng nhóm tiểu ngành nhằm hỗ trợ kịp thời đối với các khách hàng trong từng lĩnh vực BĐS.

Cụ thể, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS tại VCB tăng 17,46% so với thời điểm cuối năm 2021 và chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của VCB.

“Với số liệu về tăng trưởng tín dụng BĐS trong năm qua như đã báo cáo, có thể khẳng định về phía VCB không có các hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS”, ông Tùng nhấn mạnh.

Về chất lượng cấp tín dụng của VCB đối với lĩnh vực BĐS, ông Tùng cho biết, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS tại VCB luôn duy trì ở mức dưới 1%. Chất lượng tín dụng lĩnh vực BĐS ổn định, trong khả năng kiểm soát.