Tổng Liên đoàn lao động được tham gia xây dựng nhà ở xã hội

Theo đó, đối với việc phát triển nhà ở xã hội, dự thảo nghị quyết đặt mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bằng cách trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở xã hội nói riêng. Đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới; trong đó đặc biệt quan tâm đến những nội dung vướng mắc lớn trong thời gian qua.

Cụ thể, về giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội theo hướng: giao đất không thu tiền sử dụng đất; Chủ đầu tư có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như của tổ trong nước được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất (được chuyển chức nhượng nhà ở xã hội gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất).

Về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo hướng: việc quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất nhà ở xã hội đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

Về lựa chọn chủ đầu tư theo hướng đấu thầu theo pháp luật về đấu thầu hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nếu có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thế nào là phù hợp với quy hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch của địa phương...

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung việc chính quyền địa phương và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở.

Dành 50% gói tín dụng cho chủ đầu tư vay ưu đãi

Về quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư, dự thảo đưa ra hướng: Được dành toàn bộ diện tích sàn khối đế của dự án để làm sàn dịch vụ- kinh doanh thương mại, dịch vụ - công cộng (y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao và các tiện ích phục vụ cư dân); phần diện tích khối để này được kinh doanh, hạch toán riêng và chủ đầu tư dự án được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ phần diện tích này. Đối với phần diện tích sàn làm nhà ở xã hội, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức theo quy định của Luật Nhà ở (có lợi nhuận định mức).

Cũng theo dự thảo, để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022-2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây).

Trong đó, đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi.

Đối với người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Dự thảo cũng đặt ra mục tiêu hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người lao động có nhu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.