nha-o-xa-hoi-2-1652.jpg

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, giúp giảm tình trạng mất cân đối cung – cầu trên thị trường bất động sản.

Khó như làm nhà ở xã hội

Câu chuyện về việc chênh lệch nguồn cung giữa NƠXH, nhà ở thương mại giá thấp với các phân khúc nhà ở trung – cao cấp đã được chuyên gia, nhà quản lý nhắc đến rất nhiều trong thời gian vừa qua.

Theo báo cáo của Bộ xây dựng, năm 2022, trên cả nước có 9 dự án NOXH được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ, có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng, có 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Đối với nhà ở công nhân, trên cả nước có hai dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; có một dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 4 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án NOXH tại khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,7 triệu m2. Các địa phương đang tiếp tục triển khai với hơn 400 dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng, quy mô 454.000 căn, tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính, theo báo cáo của các doanh nghiệp thì để thực hiện thủ tục này mất thời gian từ một đến hai năm.

Về nhà ở xã hội, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, việc triển khai hiện vẫn còn nhiều khó khăn bởi quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với các luật liên quan; chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa hấp dẫn, không thu hút; căn hộ cho thuê trong nhiều dự án còn để không, lãng phí; việc xác định đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội còn nhiều bất cập,…

Việc các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng... trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để cho thuê này để không, lãng phí.

Cần tích cực tháo gỡ

Sau hội nghị về thị trường bất động sản ngày 17/2, dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn đang hướng tới cơ cấu lại sản phẩm nhà ở, trong đó ưu tiên NƠXH. Bên cạnh việc nới các điều kiện, chính sách để tăng cung loại nhà ở hướng tới nhu cầu thật này, nhiều giải pháp về vốn được cân nhắc thực hiện.

Cụ thể, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (khoảng 10% nhu cầu vốn giai đoạn 2022-2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay dự án NƠXH, nhà ở công nhân theo hình thức tái cấp vốn. Hình thức này tương tự gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 trước đây. Chủ đầu tư dự án được vay ưu đãi 50% của gói tín dụng trên, tương đương 55.000 tỷ đồng, còn lại sẽ cho người mua nhà vay.

Trong khi đó, một gói tín dụng riêng cho NƠXH cũng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cân nhắc. 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã thống nhất dành 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, lãi suất cho vay thấp hơn 1,5-2% lãi suất bình quân thị trường với người xây dựng và người mua nhà.

Hai gói tín dụng vừa được Bộ Xây dựng và NHNN đề xuất mang đến nhiều kỳ vọng cho cả doanh nghiệp và người mua nhà.

Đánh giá về đề xuất trên của Bộ Xây dựng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, giúp giảm tình trạng mất cân đối cung – cầu trên thị trường bất động sản.

Các giải pháp ưu tiên khơi thông dòng vốn thúc đẩy phân khúc nhà ở hướng tới nhu cầu thật này được nhiều chuyên gia đánh giá là lựa chọn thận trọng và khả thi, giúp vực dậy thị trường đang trầm lắng, mất thanh khoản gần một năm qua.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, gói tín dụng dành cho NƠXH là tín hiệu tích cực. Nếu được triển khai nhanh, nó có thể góp phần rút ngắn chênh lệch cung cầu nhà ở.

Cũng theo ông Châu, thời gian qua, thị trường địa ốc khan hiếm nhà ở bình dân còn gọi là nhà giá rẻ vừa túi tiền đến mức hai năm gần đây không có sản phẩm nào được mở bán mới, trong khi nguồn cung nhà ở xã hội cũng thiếu hụt.

Cuối cùng, HoREA đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm chấp thuận đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng để tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại được NHNN chỉ định để cho người mua, thuê mua NƠXH, nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

Theo Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) cho rằng, cần có một quỹ đầu tư phát triển NƠXH như đề xuất của Bộ Xây dựng mới đây nhưng không chỉ dùng để hỗ trợ tín dụng cho dự án NƠXH mà nên có một phần dành cho các địa phương để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án NOWXXH.

Trước đó là vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phải lựa chọn các khu NƠXH tập trung ở vị trí quy hoạch hợp lý rồi sử dụng quỹ này đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tập trung sau đó mới lựa chọn chủ đầu tư thì sẽ chủ động được kế hoạch và đồng thời cũng tăng tính hấp dẫn của các dự án nhà ở xã hội đối với các chủ đầu tư.

Ngoài ra, các thể chế quy định về tiêu chuẩn NƠXH, trình tự các bước làm dự án NƠXH, tiêu chuẩn và chế độ cho người mua nhà ở xã hội cũng cần cập nhật lại và đơn giản hoá theo điều kiện biến đổi của thị trường (kể cả đơn giá thi công NƠXH).