Kinh tế xanh là xu hướng toàn cầu
Tại Diễn đàn Kinh tế xanh diễn ra sáng 26/11, Phó Tổng giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng cho rằng, biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, trở thành một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Biến đổi khí hậu đã và đang làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và mọi mặt của đời sống xã hội. Vì thế, phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề bức thiết của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn cũng đã và đang được nhiều quốc gia hướng tới.
"Khái niệm về kinh tế xanh không còn quá mới, đã được nói đến rất nhiều, nhưng trong xã hội, dư luận, hiểu thế nào về kinh tế xanh cũng là một câu hỏi hay quan hệ giữa kinh tế xanh với phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn ra sao cũng là vấn đề đáng bàn", Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), kinh tế xanh là một mô hình phát triển không chỉ giảm phát thải carbon mà còn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo công bằng xã hội. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh đã được Đảng và Nhà nước xác định là chiến lược quan trọng, thể hiện qua các chính sách như chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và cam kết net zero vào năm 2050.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh sẽ đạt từ 3,3-3,5% GDP.
TS. Nguyễn Quốc Việt khẳng định rằng giảm phát thải khí nhà kính là chìa khóa để Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Mục tiêu phát thải ròng - netzero vào năm 2050 liệu có khả thi ?
Ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Viện trưởng - Viện Quy hoạch và Phát triển cho biết, có nhiều chuyên gia cả trong nước và quốc tế tỏ vẻ ngạc nhiên khi Việt Nam cam kết tại COP 26 sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng - netzero vào năm 2050, trong khi không ít quốc gia khác có trình độ phát triển kinh tế ngang tầm với chúng ta đẩy mốc netzero lùi về 2060.
"Đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi nếu chúng ta tập trung huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là trí lực", ông Đông nhấn mạnh.
Theo ông Đông, giao thông công cộng, đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị là hai dư địa góp phần giảm phát thải khí nhà kính rất lớn. Để nhắm tới mục tiêu lớn, chúng ta không thể dựa vào phương tiện cá nhân. Xe điện cá nhân không phát thải trực tiếp nhưng lại làm tăng phát thải ở các nhà máy điện, nến vẫn dùng điện lưới quốc gia, với nguyên liệu hóa thách thì vô nghĩa. Nếu phương tiện các nhân sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thì việc giảm phát thải mới có ý nghĩa.
Cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM sẽ hoàn thành mạng lưới khoảng 500km đường sắt đô thị (metro) kết hợp với hệ thống giao thông công cộng cấp 2 (tàu điện mặt đất) và cấp 3 (xe buýt và xe taxi chạy động cơ điện - doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất rất đẹp, rất tốt) sẽ thay thế hơn triệu ô tô cá nhân và hàng chục triệu xe máy chạy xăng, làm giảm hàng triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.
Ngoài ra, việc quy hoạch kiến trúc các khu đô thị ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất giảm tiêu thụ điện năng cũng gián tiếp giảm phát thải khí CO2. Một đô thị TOD (mô hình chiến lược phát triển đô thị với nhân tố chính là hệ thống giao thông công cộng của đô thị) nén với đầy đủ các tiện ích dân cư, kết cấu hạ tầng xã hội (y tế, trường học, thương mại, văn hóa, thể thao…) bám theo trục giao thông công cộng Metro giúp giảm 40% lượng người tham gia giao thông, giảm hàng chục km di chuyển mỗi ngày cho mỗi công dân, tương đương giảm hàng tỷ km di chuyển dân cư đô thị, tương ứng hàng triệu tấn CO2 mỗi năm.
Doanh nghiệp cần chung tay phát triển tài chính xanh, kinh tế xanh
Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh thị trường tài chính xanh toàn cầu đang phát triển mạnh, ông Lực dẫn chứng năm 2023, tổng dư nợ thị trường nợ bền vững đạt 4,16 nghìn tỷ USD và lượng tín dụng và trái phiếu bền vững trong nửa đầu năm 2024 đạt 807 tỷ USD. Việc phát hành trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững cũng đạt mức cao.
TS. Cấn Văn Lực cho biết: "Việt Nam có lợi thế rất lớn để phát triển tài chính xanh, với sự hỗ trợ của Chính phủ và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của tài chính xanh".
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, áp lực đang ngày càng tăng lên các doanh nghiệp Việt Nam. Với sự trỗi dậy của các rào cản thương mại như cơ chế CBAM, sản phẩm của chúng ta sẽ khó lòng cạnh tranh trên thị trường quốc tế nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất mà còn làm giảm đi uy tín của hàng Việt Nam.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng điều chỉnh chiến lược sản xuất, hướng tới xanh hóa các hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng cũng đang đặt ra những yêu cầu mới. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, và những doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu này sẽ dần bị loại bỏ khỏi thị trường.
CBAM chính là động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào công nghệ sạch, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU mà còn mở ra cánh cửa vào những thị trường tiềm năng khác, nơi yêu cầu về sản xuất bền vững ngày càng cao. Ông Việt nhận định.
TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra 5 lĩnh vực cần ưu tiên phát triển xanh, gồm: Nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao; Phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững (đô thị chiếm 78% tiêu thụ năng lượng và 60% khí phát thải nhà kính toàn cầu); Chuyển đổi năng lượng sạch; Áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn và cuối cùng là gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả (Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố có kinh tế biển...).
Để thúc đẩy tín dụng xanh, theo TS. Cấn Văn Lực, các ngân hàng thương mại đang tích cực triển khai nhiều giải pháp. Đáng chú ý là việc xây dựng các quỹ tái cấp vốn và chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các dự án thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang hoàn thiện quy trình thẩm định riêng cho tín dụng xanh, đồng thời phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với từng lĩnh vực./.