Dự án xây trụ sở Ngân hàng SHB bỏ hoang tại số 31,33,35 Lý Thường Kiệt (Hà Nội), cách Hồ Gươm chỉ vài bước chân không những gây bức xúc cho người dân khu vực mà Đại biểu HĐND TP cũng đã chất vấn nhiều lần xong đến nay vẫn nằm yên bất động.

Tháng 12/2022, tại phiên chất vấn HĐND TP. Hà Nội, đại biểu Lê Kim Anh đề nghị thành phố yêu cầu chủ đầu tư sớm thực hiện xây dựng công trình trên khu "đất vàng" 31, 33 và 35 Lý Thường Kiệt. Cùng với đó, đại biểu đề nghị công trình trên khu đất này phải đảm bảo quy hoạch kiến trúc theo quy định.

Trả lời chất vấn của đại biểu tháng 12/2022, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, khu đất trên có tổng diện tích 2.245m2. Theo ông Tuấn, đây là địa điểm rất đặc biệt, có 3 mặt phố đó là Lý Thường Kiệt – Hàng Bài – Vọng Đức. Khu đất này đang thuộc quyền sử dụng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Theo ông Tuấn, chủ đầu tư dự án  đề xuất xây dựng trụ sở Ngân hàng SHB theo quy mô khoảng 45m, tương đương hơn 13 tầng. Tuy nhiên, theo quy hoạch khu vực này không được xây quá 8 tầng. Thế nhưng, chủ đầu tư mong muốn đảm bảo quy mô trụ sở nên muốn xây dựng như đề xuất. Vì vậy, dự án mới bỏ hoang nhiều năm nay.

Theo tìm hiểu, năm 2010, dự án VietinBank Tower được khởi công với tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên diện tích khu đất gần 30.000 m2 trong Khu đô thị Ciputra với 2 tòa tháp. Tòa tháp thứ nhất cao 68 tầng được thiết kế và dùng làm trụ sở làm việc chính của VietinBank. Tòa tháp thứ hai cao 48 tầng.

Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn dang dở, chỉ là khối sắt khổng lồ “đắp chiếu” hàng chục năm.

Trước tình trạng trên, Bộ Xây dựng mới đây đã có Văn bản số 228/BXD-KTXD hướng dẫn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) về việc điều chỉnh mức đầu tư dự án tòa nhà trụ sở chính VietinBank (VietinBank Tower) tại Tây Hồ, Hà Nội.

Theo Bộ Xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh gồm phần tổng mức đầu tư không điều chỉnh và phần tổng mức đầu tư điều chỉnh. Các nội dung liên quan đến phần tổng mức đầu tư điều chỉnh phải được thẩm định theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 10 trên. Thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh thực hiện theo quy định về thẩm quyền thẩm định dự án điều chỉnh tại khoản 2, 3 Điều 19 Nghị định số 15 ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Dự án có 3 mặt tiền nằm tại nút giao Trần Thái Tông – Tôn Thất Thuyết được Hà Nội giao cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) từ năm 2008 để xây trụ sở.

 

Tuy nhiên, 15 năm đã qua, dự án này vẫn bất động và không có thông tin liên quan.

Đáng chú ý, sau nhiều năm bỏ hoang dự án, vào năm 2012, UBND TP Hà Nội từng khẳng định, lô đất của Vietcombank tại Khu đô thị mới Cầu Giấy để hoang hóa từ năm 2008 là vi phạm khoản 12, Điều 38 của Luật Đất đai.

Hà Nội cũng yêu cầu UBND quận Cầu Giấy rà soát quy chế đấu giá và biên bản bàn giao đất tại thực địa đối với đơn vị trúng đấu giá để lập hồ sơ thu hồi theo quy định. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 10 năm trôi qua, khu đất này vẫn chưa bị thu hồi.

"Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.