Ts.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế.

Theo đó, phát biểu tại diễn đàn trên, đề cập đến triển vọng lĩnh vực bất động sản và xây dựng trong thời gian tới, TS.Cấn Văn Lực cho biết, kinh tế phục hồi khá, Chương trình phục hồi - phát triển KTXH 2022 - 2023 được đẩy nhanh tạo cơ hội cho lĩnh vực bất động sản và xây dựng.

Cùng với đó, các yếu tố cơ hội khác bao gồm quy hoạch được quan tâm; đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược; đầu tư công được thúc đẩy.

Về chiến lược phát triển nhà ở 2021 – 2030, cần hết sức tỉnh táo và làm rõ nghĩa, rõ nét về nhà ở xã hội, làm theo phong trào sẽ hết sức nguy hiểm. Nếu làm theo tư duy xin cho sẽ vô cùng nguy hiểm mà nhà ở phải phù hợp với thu nhập của người dân mới là quan trọng.

Ngoài ra, các vấn đề pháp lý đã và đang được tháo gỡ, đáng chú ý là Nghị quyết 18 và 19. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được lành mạnh hóa; tín dụng bất động sản được nắn dòng.

Lãi suất, tỷ giá cơ bản khá ổn định dù chịu áp lực tăng mạnh. Lưu ý rằng đây là thời điểm vàng để chấn chỉnh thị trường, bởi hai năm qua, rất nguy hiểm khi nhà nhà, người người đầu tư đất đai.

Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận chương trình phục hồi

Đề cập đến thách thức đối với thị trường bất động sản 2022 - 2023, ông Lực cho biết, trong năm 2022 - 2023, các thách thức bao gồm kinh tế thế giới và Việt Nam phục hồi còn nhiều bấp bênh, tác động đến thương mại, đầu tư và du lịch, bất động sản; nguồn cung chưa dồi dào ngay; giá năng lượng, nguyên vật liệu còn tăng. Chính phủ, cơ quan quản lý chỉ đạo kiểm soát, rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng chặt chẽ hơn.

Do đó, theo ông Lực, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi, các nghị quyết gần đây của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ; chú trọng phục hồi xanh, tăng trưởng xanh; chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới; thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro. Cùng với đó, đầu tư trung - dài hạn, thay vì lướt sóng, đánh quả.

Cũng theo vị chuyên gia này, ngoài tín dụng, doanh nghiệp bất động cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác (phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chương trình ESOP, cổ phiếu quỹ, quỹ REIT, trái phiếu công trình; thuê tài chính…);

Ngoài ra, hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết, chuẩn hóa đội ngũ quản lý và nhân sự bán hàng, dịch vụ… Không chỉ vậy, cần huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; và tích cực, chủ động kiến nghị, phản biện chính sách.

Dự án nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ rất nhỏ

Liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội, theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, trong quý II vừa qua, số lượng dự án nhà ở thu nhập thấp hoàn thành là 3 dự án với 1.134 căn hoàn thành tại Kon Tum, Ninh Thuận; bằng khoảng 75% so với quý I/2022 và tương đương với cùng kỳ năm 2021.

Hiện số lượng dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng trên cả nước là 96 dự án với 123.514 căn; trong đó, riêng Bình Dương có 42 dự án; số lượng dự án bằng khoảng 98% so với quý I/2022 và bằng khoảng 102% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, trong quý vừa qua, chỉ có 4 dự án với quy mô 2.652 căn tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam được cấp phép mới; số lượng dự án bằng khoảng 133% so với quý I/2022 và so với cùng kỳ năm 2021.

Đứng trước sự chênh lệch về nguồn cung trên, một tin vui đến với những người có thu nhập thấp và thị trường bất động sản là tại “Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp” diễn ra sáng 1/8 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, nhiều “ông lớn” bất động sản đã cam kết sẽ xây dựng 1,2 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong những năm tới.

Tham dự hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, đại diện Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, tập đoàn mong muốn ngày càng có nhiều những căn nhà đẹp, có những tiện ích cơ bản cho người thu nhập thấp. Việc triển khai nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội có thể không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng có ý nghĩa xã hội to lớn. Ông cho biết, Tập đoàn Vingroup sẽ phấn đấu đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội trong 5 năm tới.

Ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch Tập đoàn Novaland cho biết, đối với chương trình "Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp" theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính Phủ, Tập đoàn Novaland luôn xem đây là chương trình vô cùng thiết thực và nhân văn.

Do đó, với kinh nghiệm, nguồn lực sẵn có đã và đang đầu tư xây dựng rất nhiều dự án bất động sản ở tại TP.HCM, cùng các tỉnh, thành phố khác, Novaland tin rằng, nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ là một mục tiêu mà tập đoàn sẽ hoàn thành để góp phần vào nỗ lực của Chính phủ trong chương trình giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động…