Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 28/2/2025 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.488.332 tỷ đồng, tăng khoảng 374.659 tỷ đồng ( tăng khoảng 25%) so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 2% so với quý IV/2024 (1.460.914 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trong số gần 1,5 triệu tỷ đồng được các ngân hàng đổ vào thị trường bất động sản trong thời gian qua thì dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác được rót nhiều vốn nhất với 484.433 tỷ đồng.

Tiếp đến là dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở với 422.030 tỷ đồng.

Đứng thứ ba và cũng là lĩnh vực được các nhà băng rót vốn tăng mạnh nhất trong thời gian qua là dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất với 170.913 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với con số gần 80.000 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Đứng thứ tư là dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê với 118.176 tỷ đồng.

Thứ năm là dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất với 105.772 tỷ đồng.

682d1a28493c3.jpg
Nguồn: Bộ Xây dựng.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, quý đầu năm 2025, tín dụng bất động sản đã có những chuyển biến đáng tích cực, cụ thể như việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, bao gồm việc đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Các ngân hàng thương mại được khuyến khích mở rộng tín dụng vào các dự án bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp...

682d1a5d3e576.jpg
Ảnh minh họa

Năm 2025 này, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%, tương đương với việc bổ sung khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hiệu quả, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa, các chính sách khác và việc cấp tín dụng cho lĩnh vực này cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn hệ thống.

“Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn chú trọng kiểm soát rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản và yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thận trọng, đảm bảo an toàn tài chính và tránh để xảy ra tình trạng "bong bóng" trong lĩnh vực này”, Bộ Xây dựng cho biết./.