Gần 100 tòa chung cư cao tới 40 tầng đang được nghiên cứu xây dựng thay cho các khu tập thể cũ

Thời gian qua, việc cải tạo chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm ở Hà Nội gần như dậm chân tại chỗ. Nguyên nhân được đánh giá một phần do chiều cao công trình không được như mong muốn của nhiều chủ đầu tư.

Sau nhiều năm bế tắc, ngày 8/3 vừa qua, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã ban hành Thông báo số 111/TB-VP về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét phương án Quy hoạch chi tiết khu vực cải tạo, tái thiết, xây dựng lại 3 khu chung cư cũ Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh, quận Ba Đình và phụ cận.

Một trong những chỉ đạo được chú ý tại văn bản trên đó là việc lãnh đạo Hà Nội đồng ý cho quận Ba Đình nghiên cứu phương án nâng chiều cao tối đa lên 40 tầng đối với khu chung cư cũ Thành Công khi tái thiết. Đây cũng chính là khu chung cư, năm 2019,Ecopark từng đề xuất lấp hồ Thành Côngđể cải tạo.

Trước đó, đầu tháng 1/2025, quận Đống Đa đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể Trung Tự, tỷ lệ 1/500.

Theo thuyết minh, dự kiến quy mô dân số khu tập thể Trung Tự 8.200, vùng phụ cận hơn 4.000. Mật độ xây dựng toàn khu giữ nguyên theo quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000 đã được thành phố phê duyệt năm 2012 là 30-60%. Chiều cao tối thiểu vẫn giữ từ 2 tầng nhưng với chiều cao tối đa đồ án lần này đề xuất nâng gấp đôi số tầng quy hoạch phân khu trước đó, từ 24 lên 48 tầng.

Đọc thêm: Khu tập thể cũ Ecopark từng đề xuất lấp hồ để cải tạo được Hà Nội “bật đèn xanh” cho nghiên cứu xây cao tới 40 tầng

Tới tháng 4 vừa qua, quận Đống Đa tiếp tục tổ chức hội nghị công khai lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư liên quan đến Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ Kim Liên và vùng phụ cận.

Khu vực quy hoạch rộng 35,5 ha, thuộc phường Kim Liên và Phương Mai. Khu tập thể Kim Liên được xây dựng từ những năm 1959-1965, gồm 42 nhà chung cư cao 2-6 tầng, dân số 14.680. Hiện khu chung cư xuống cấp sau hơn 60 năm sử dụng. Quận Đống Đa đề xuất xây dựng 10 tòa nhà mới, trong đó có 3 tòa thương mại dịch vụ cao 45 tầng và 7 tòa tái định cư cao 40 tầng.

6822b770ae47c.jpg
Khu chung cư cũ Thành Công nhìn từ trên cao.

Mới đây nhất, ngày 8/5, quận Đống Đa tổ chức hội nghị lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về đồ án Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Vĩnh Hồ và phụ cận tỷ lệ 1/500 trên địa bàn phường Thịnh Quang, Trung Liệt.

Tập thể Vĩnh Hồ gồm 36 tòa nhà nằm trên hai phường Thịnh Quang (27 tòa) và Trung Liệt (9 tòa) với 1.938 căn hộ, dân số hơn 14.000. Phạm vi nghiên cứu đồ án trên 22 ha, bao gồm cả 1.300 căn hộ liền kề.

Tại hội nghị trên, quận này cũng đề xuất xây dựng lại 36 tòa nhà thành các tòa nhà cao 40 tầng để tái định cư tại chỗ cho người dân và dành một phần diện tích để nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ thương mại, không có chức năng ở….

Cần chủ đầu tư có năng lực và công nghệ tiên tiến

Hà Nội hiện có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, trong đó có gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư độc lập được xây dựng từ những năm 1960-1994. Từ năm 2005, thành phố bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ, nhưng đến nay mới có 19 dự án hoàn thành và 14 dự án đang triển khai.

Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm 4 khu nhà cấp D (nguy cơ sụp đổ) và 6 khu có tính khả thi cao. Tuy nhiên, đến nay chưa có khu nào được cải tạo. Thành phố đặt mục tiêu khởi công 1-2 khu chung cư cũ trong năm 2025.

Việc chậm chễ trong cải tạo chung cư cũ nguy hiểm khiến nhiều người dân mệt mỏi và lo lắng khi phải sống trong những căn nhà với tường bong tróc, nứt toác, thấm dột… cho nên khi chủ trương nâng tầng được đưa ra, dù phần lớn người dân đồng thuận cải tạo và mong dự án sớm triển khai nhưng vẫn còn không ít lo ngại.

6822b783bbee2.jpg
Một khu chung cư cũ nguy hiểm ở Thành Công.

Trong buổi lấy ý kiến người dân về việc cải tạo loạt chung cư cũ ở Trung Tự hồi tháng 4 vừa qua, một số người dân lo ngại, việc xây 10 tòa nhà cao tầng (40-45 tầng) sẽ gây quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông, đặc biệt nếu đường nội khu và xung quanh không được mở rộng tương ứng.

Tương tự, nhiều chuyên gia đánh giá, việc nâng tầng cao có thể giúp đạt hiệu quả kinh tế và đền bù cho dự án để làm “hài lòng” các chủ đầu tư nhưng nếu không có sự cải thiện đáng kể về hạ tầng giao thông, khu vực này sẽ gặp phải tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, giống như những khu vực khác ở Hà Nội từng rơi vào tình trạng tương tự khi mật độ xây dựng quá lớn mà không đồng bộ với giao thông.

Ngoài ra, sự nhất quán trong việc thực thi chính sách cũng là một lo ngại. Bài học “xương máu” đối với Hà Nội là tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. Việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, thay đổi mục đích sử dụng của nhiều ô đất, dự án đã tạo nên một tuyến đường “quá khổ” về giao thông, hạ tầng.

Cho ý kiến về vấn đề này, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội nêu quan điểm, việc nâng chiều cao công trình lên tối đa 40 tầng là giải pháp cần thiết để tháo gỡ các điểm nghẽn trong cải tạo chung cư cũ.

Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi sự tham gia của các chủ đầu tư có năng lực, tầm nhìn chiến lược và công nghệ xây dựng tiên tiến.

Đặc biệt, các công trình cần đảm bảo không gia tăng dân số, không gây áp lực lên hạ tầng, đồng thời mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng. “Điều này không chỉ là một bài toán kinh tế mà còn là trách nhiệm xã hội”, ông Ánh nhấn mạnh.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, hiện quy hoạch nội đô Hà Nội vẫn cho phép xây dựng công trình cao tầng nhưng có hạn chế. Riêng đối với quy hoạch để cải tạo chung cư cũ, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo không cấm xây dựng cao tầng nhưng cần đảm bảo nguyên tắc là không gia tăng dân số và bổ sung hạ tầng.

Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc nêu ví dụ khi kiểm đếm chung cư cũ có 5 tòa nhà với 1.000 căn hộ thì cần tái định cư 1.000 căn hộ tương ứng với diện tích có thể lớn hơn. Trước đây căn hộ chung cư cũ có những căn chỉ 30m2, nhân hệ số 2 thì có thể lên đến 60m2. Người dân có nhu cầu ở diện tích 120m2 vẫn được đồng ý nhưng ngoài 60m2 cũ được đền bù thì 60m2 còn lại phải trả tiền. “Bản chất chính là phần thương mại nhưng không gia tăng số lượng căn hộ”, lãnh đạo sở nêu./.