Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới với tiền gửi của khách hàng cá nhân thông thường và nhận lãi cuối kỳ. Theo đó, từ ngày hôm nay, nhà băng này tăng lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 1-15 tháng thêm 0,1-0,2%/năm và giữ nguyên tại các kỳ hạn còn lại.

Cụ thể, lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn dưới 1 tháng được giữ nguyên ở mức 0,5%/năm, kỳ hạn 1 tháng tăng từ 2,1%/năm lên 2,3%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng từ 2,3%/năm lên 2,5%/năm, kỳ hạn 3-4 tháng tăng từ 2,5-2,6%/năm lên cùng mức 2,7%/năm, kỳ hạn 5 tháng tăng từ 2,7%/năm lên 2,8%/năm, kỳ hạn 6-8 tháng tăng từ 3,5%/năm lên 3,6%/năm, kỳ hạn 9-10 tháng tăng từ 3,6%/năm lên 3,7%/năm, kỳ hạn 11 tháng tăng từ 3,7%/năm lên 3,8%/năm, kỳ hạn 12-15 tháng tăng từ 4,5%/năm lên 4,6%/năm, kỳ hạn 18 tháng có lãi suất giữ nguyên ở mức 4,6%/năm, kỳ hạn 24-60 tháng tiếp tục được áp dụng mức lãi suất 5,6%/năm…

Trước đó, một ngày, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM cũng đã thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 20/5/2024; trong đó, tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn 1-18 tháng thêm 0,3%/năm, trong khi giữ nguyên ở các kỳ hạn khác.

Theo đó, với hình thức gửi tiền online - sản phẩm có lãi suất cao nhất, khung lãi suất hiện dao động trong khoảng 0,5-6,2%/năm. Cụ thể, kỳ hạn gửi 1-3 tuần có lãi suất huy động không đổi ở mức 0,5%/năm; kỳ hạn 1-5 tháng lãi suất tăng từ mức 2,95%/năm trước đó lên 3,25%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 4,6%/năm lên 4,9%/năm, kỳ hạn 7-11 tháng tăng từ 4,4%/năm lên 4,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5%/năm lên 5,3%/năm, kỳ hạn 13 tháng tăng từ 5,2%/năm lên 5,5%/năm, kỳ hạn 15 tháng tăng từ 5,8%/năm lên 6,1%/năm, kỳ hạn 18 tháng tăng từ 5,9%/năm lên 6,2%/năm, kỳ hạn 24-36 tháng có lãi suất giữ nguyên ở mức 5,5%/năm.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Đáng chú ý, xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4 và tháng 5. Trước 2 nhà băng trên, đã có 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm kể từ đầu tháng là ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank và gần đây nhất là ngân hàng số Cake by VPBank; trong đó có 4 ngân hàng VIB, CB, SeABank và ABBank đã tăng hai lần tăng lãi suất.

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc tăng lãi suất vừa qua diễn ra chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, trong khi các ngân hàng lớn "big 4" vẫn đang giữ lãi suất tương đối ổn định. BVSC cho rằng, mặt bằng lãi suất ở mức thấp, khiến cho nhu cầu nắm giữ các tài sản sinh lời cao hơn tăng lên gây áp lực đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Tuy vậy, với tín dụng vẫn đang tăng trưởng thấp, đà tăng của lãi suất huy động sẽ không quá nhanh trong các tháng tới.

Còn theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mặt bằng lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5-1%/năm từ vùng đáy, tuỳ kỳ hạn và nhóm ngân hàng. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng cũng như diễn biến chính sách tiền tệ của Fed./.