Tối 27/11, Ngân hàng nhà nước phát đi thông cáo về công văn số 9774 vừa được ban hành về việc ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Nội dung công văn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay... để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, chủ động thực hiện công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có)…
Diễn biến này diễn ra, như chúng tôi đã phản ánh trước đó, sau giai đoạn chững lại vào tháng 10, lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng có xu hướng tăng trở lại kể từ đầu tháng 11 đến nay. Ngoài áp lực thanh khoản đáp ứng cầu tín dụng mùa vụ cuối năm, việc tỷ giá nổi sóng gần đây được cho là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng đồng loạt tăng biểu lãi suất tiền gửi.
Cụ thể, từ đầu tháng 11 đến nay, có 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động bao gồm: BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, Indovina Bank, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank và VietBank.
Trong đó, ABBank, Agribank và VIB là các ngân hàng đã có hai lần tăng lãi suất kể từ đầu tháng. Đồng thời, ABBank cũng là ngân hàng duy nhất giảm lãi suất huy động, với mức giảm 0,1%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Theo thống kê, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đang áp dụng lãi suất huy động từ 6%/năm trở lên. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất là 6,3%/năm được Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) áp dụng cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 tháng…
Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, trong tháng 10/2024, lãi suất huy động chững lại khi chỉ có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,2%/năm. Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 11, nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất đầu vào với mức tăng từ 0,1-0,7%/năm. Xu hướng tăng này được dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn.
Giới phân tích dự báo lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 20-50 điểm cơ bản vào cuối năm. Áp lực tỷ giá cùng với sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào.
Trước diễn biến đó, ngày 26/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.
Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực tiêu dùng, phục vụ đời sống; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, giảm lãi vay cho doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm nay và đầu năm 2025./.