Kể từ đầu tháng 11 đến nay, có 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động bao gồm: BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, Indovina Bank, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank và VietBank.
Trong đó, ABBank, Agribank và VIB là các ngân hàng đã có hai lần tăng lãi suất kể từ đầu tháng. Đồng thời, ABBank cũng là ngân hàng duy nhất giảm lãi suất huy động, với mức giảm 0,1%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Theo thống kê, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đang áp dụng lãi suất huy động từ 6%/năm trở lên. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất là 6,3%/năm được Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) áp dụng cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 tháng.
Tại kỳ hạn 15 đến 18 tháng, ABBank cũng đang duy trì mức lãi suất huy động 6,2%/năm.
Ngoài ra, các ngân hàng trả lãi suất huy động từ 6%/năm trở lên còn có: Bac A Bank niêm yết lãi suất huy động lên đến 6,15%/năm với các kỳ hạn tiền gửi từ 18-36 tháng, SHB áp dụng lãi suất huy động trực tuyến 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn từ 36 tháng trở lên.
Saigonbank cũng áp dụng mức lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Tại kỳ hạn 13-24 tháng nhà băng này đang niêm yết mức lãi suất 6%/năm.
Lãi suất huy động 6,1%/năm từ lâu cũng đã được OceanBank và DongA Bank niêm yết cho tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn từ 18-36 tháng. Tương tự, DongA Bank cũng đang niêm yết lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng.
BaoViet Bank, BVBank cũng đang niêm yết lãi suất 6%/năm cho tiền gửi trực tuyến các kỳ hạn từ 15-36 tháng. Trong khi đó, Viet A Bank mới đây cũng đã đưa lãi suất kỳ hạn 36 tháng chạm ngưỡng 6%/năm.
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng thương mại hiện niêm yết các mốc lãi suất đặc biệt lên tới 6,0-9,5%/năm với các điều kiện tiền gửi khác nhau.
PVcomBank hiện đang dẫn đầu về lãi suất đặc biệt khi khách hàng gửi tiền tại quầy, với 9,5% cho kỳ hạn 12-13 tháng. Tuy nhiên, điều kiện để được trả mức lãi suất này là khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Tiếp theo là HDBank với lãi suất khá cao, lên đến 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất 6% đối với kỳ hạn 18 tháng.
MSB áp dụng lãi suất tiền gửi tại quầy lên tới 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7% cho kỳ hạn 12 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Dong A Bank có lãi suất tiền gửi, kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỷ đồng trở lên áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm. Nhà băng này cũng áp dụng lãi suất 6,1% đối với kỳ hạn 24 tháng.
Bac A Bank áp dụng mức lãi suất 6,35% cho kỳ hạn 24 tháng, áp dụng với số tiền gửi trên 1 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), trong tháng 10/2024, lãi suất huy động chững lại khi chỉ có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,2%/năm. Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 11, nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất đầu vào với mức tăng từ 0,1-0,7%/năm. Xu hướng tăng này được dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/10 đã tăng 10,08% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9/2024 đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Đây được xem là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
Ngoài áp lực thanh khoản từ tăng trưởng tín dụng, việc lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng thương mại có xu hướng tăng gần đây còn có nguyên nhân từ biến động tỷ giá. Tỷ giá USD/VND trong vài tuần gần đây đã tăng trở lại gần đạt mức cao nhất vào thời điểm giữa năm 2024, do đồng USD tăng giá mạnh.
Giới phân tích dự báo lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 20-50 điểm cơ bản vào cuối năm. Áp lực tỷ giá cùng với sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào. Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam./.