Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng nay (11/11), Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm không cho vay bất động sản

Tại phiên họp, đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ xử lý như nào tình trạng chạy xô tăng trưởng của một số tổ chức tín dụng? Đồng thời có giải pháp như nào để hạn chế rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện hai chức năng là điều hành chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ ngoại hối nhưng có một chức năng nữa đó là quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ ngân hàng.

Vì vậy, mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng; trong đó an toàn hoạt động của hệ thống là vấn đề cần phải đặt lên trên hết, trước hết. Bởi, nếu hệ thống các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro, có hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế, bởi tác động lan truyền của nó. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào diễn biến thực tế và trong nhiều năm qua đã quyết định phải sử dụng công cụ là room tín dụng để hạn mức tín dụng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. (Ảnh: Quốc hội)
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. (Ảnh: Quốc hội)

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam có đặc thù là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều nên đã có giai đoạn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bình quân trên 30%; có những năm tăng lên đến hơn 50%, dẫn đến hệ lụy và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng hạn mức tín dụng để điều hành; khi phân bổ và thông báo hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đều phải đánh giá trên cơ sở xếp hạng các tổ chức tín dụng, cũng như khả năng mở rộng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên giám sát và cảnh báo những tổ chức tín dụng tăng trưởng cao và tiềm ẩn rủi ro”, bà Hồng cho biết.

Tham gia chất vấn, đại biểu Đỗ Huy Khánh cho biết, so với thị trường bất động sản Trung Quốc thì dư nợ tín dụng bất động sản Việt Nam mới chiếm tỷ lệ là 20%, trong khi đó, Trung Quốc có thời điểm cao hơn là 30%. Như vậy, vẫn còn dư địa cho vay bất động sản ở Việt Nam. Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết quan điểm về vấn đề này?

Trả lời câu hỏi trên, Thống đốc cho biết, các tổ chức tín dụng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào và tỷ lệ là bao nhiêu, hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của tổ chức tín dụng, tùy thuộc vào nguồn vốn của họ huy động.

“80% tiền gửi ở Việt Nam là ngắn hạn nên khả năng cho vay tiếp tục của thị trường bất động sản cũng cần đảm bảo nguyên tắc để người dân rút tiền. Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm không cho vay bất động sản”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Giải pháp nào để xử lý nợ xấu tăng cao?

Trước đó, trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp xử lý vấn đề nợ xấu tăng cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55% gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với năm 2022. Đây là một thực tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng khó khăn hơn.

Đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: Quốc hội)
Đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: Quốc hội)

Để kiểm soát nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cũng đề ra một số giải pháp. Theo đó, đối với các tổ chức tín dụng, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Còn đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản của nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu.

Đối với trường hợp nợ xấu tăng cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân.

“Trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn, hệ thống các tổ chức tín dụng đã dành nguồn lực tài chính của mình để giảm được nhiều lãi suất cho khách hàng”, Thống đốc khẳng định./.