Số liệu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tại Báo cáo Thị trường bất động sản quý 3/2024 do Bộ Xây dựng vừa công bố.

Theo báo cáo trên, tính đến 31/8/2024, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.274.233 tỷ đồng, tăng 29,18% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, nếu so sánh với con số 1.250.535 tỷ đồng được ghi nhận vào cuối tháng 7 thì chỉ trong vòng một tháng (từ 31/7 -31/8/2024), các ngân hàng đã rót thêm vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản gần 23.700 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, trong tổng số hơn 1,27 triệu tỷ đồng được các ngân hàng dành cho hoạt động kinh doanh bất động sản thì dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác chiếm tỷ trọng cao nhất với 469.938 tỷ đồng.

Tiếp đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở là 328.339 tỷ đồng.

Đứng thứ ba là dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê được giải ngân 125.854 tỷ đồng.

Đứng thứ tư là dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt giá trị 98.837 tỷ đồng…

Tiền của các ngân hàng chi cho kinh doanh bất động sản tiếp tục tăng mạnh - ảnh 2
Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tính đến 31/8/2024. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Liên quan đến việc này, mới đây, báo cáo trước Quốc hội về số liệu tín dụng bất động sản tăng nhanh và cao hơn tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiểm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9/2024 là 9% so với đầu năm, tương ứng mức tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản cao hơn tăng trưởng tín dụng chung, đạt 9,15% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng bất động sản kinh doanh tăng cao hơn so với tín dụng bất động sản tiêu dùng, lần lượt tăng 16% và 4,6% so với đầu năm.

Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, lãi suất vay bất động sản cao, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, vốn cho vay các dự án bất động sản thường dài hạn, trong khi huy động của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn.

Về phía các ngân hàng, họ phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, thu hồi vốn để chi trả cho người gửi tiền. Do đó, ngay cả khi dự án khả thi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng đành từ chối vì thời hạn vay dài hoặc cần ưu tiên cho các khoản cấp bách hơn.

Về lãi suất, bà Hồng cho biết, đã giảm khoảng 3% so với đầu năm 2022. "Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các nhà băng đơn giản thủ tục, tiết kiệm để có nguồn lực hạ lãi suất", bà chia sẻ, thêm rằng khi doanh nghiệp, người dân khó khăn, các tổ chức tín dụng đã dành nguồn lực để giảm lãi, thuế lên tới 60.000 tỷ đồng./.