Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 22/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020 về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025.
Theo nội dung bảng giá đất điều chỉnh vừa được ban hành, giá đất tại TP.HCM sẽ tăng khoảng 4-38 lần so với giá đất hiện hành. Trong đó, giá đất cao nhất thuộc về các khu vực đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi (quận 1) với mức 687.200.000 đồng/m2…
Việc TP.HCM tăng mạnh giá đất trong bảng giá điều chỉnh được dự báo sẽ khiến giá nhà, đất trên địa bàn thành phố tăng cao.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho biết, so với bảng giá năm 2020, giá đất tại bảng điều chỉnh của TP.HCM đã tăng bình quân từ 4-35 lần. Điều này sẽ tác động đến giá của hầu hết các loại hình bất động sản và mọi ngóc ngách của thị trường.
Theo chuyên gia này, phân khúc bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất sau khi TP.HCM áp bảng giá đất mới là loại hình đất nền vùng ven, bởi bảng giá điều chỉnh tăng sẽ dẫn đến giá đất nền tăng theo.
"Đây là điều không thể tránh khỏi. Trước tiên, từ 3-6 tháng tới, giá đất nền hiện hữu sẽ tăng từ 20-30% so với hiện nay. Tiếp theo, giai đoạn từ 6 tháng đến 1 năm nữa, giá đất nền sẽ tăng từ 30-50%”, ông Quang nhận định.
Một loại hình bất động sản khác cũng sẽ bị ảnh hưởng là nhà phố liền kề có giá bán dưới 7 tỷ đồng. Cùng với đà tăng giá của đất nền, nhà phố liền kề dự báo cũng sẽ tăng theo.
Đối với các dự án nhà ở thương mại, theo ông Quang, giá đất tăng sẽ khiến cho các chủ đầu tư gặp khó khăn hơn trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người dân bởi khi đó chi phí đền bù sẽ cao hơn. Do vậy, giá nhà tại dự án cũng sẽ leo thang.
“Tác động của bảng giá đất mới lên thị trường bất động sản chưa thật sự rõ nét nhưng vài tháng qua, một số chủ đầu tư khi tung dự án mới ra thị trường đều bán giá khá cao. Không loại trừ các chủ dự án lợi dụng việc điều chỉnh bảng giá đất để đẩy giá bán” - ông Quang phân tích.
Về tâm lý của nhà đầu tư, vị chuyên gia này cho rằng những người đang găm giữ đất nền có thổ cư thì sẽ có xu hướng ghim hàng chờ tăng giá. Còn những nhà đầu tư nếu nắm giữ đất nền nhưng là đất nông nghiệp thì lại bối rối.
Trong khi đó, nhà đầu tư căn hộ chung cư đang được hưởng lợi rất nhiều từ việc điều chỉnh giá đất.
“Giao dịch của thị trường hiện nay chủ yếu là căn hộ. Không chỉ các dự án chung cư mới mở bán, giá căn hộ trên thị trường thứ cấp cũng sẽ không ngừng tăng", ông Quang nhận định.
Liên quan đến việc này, trao đổi với chúng tôi trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho biết, bảng giá đất điều chỉnh chưa tác động ngay đến thị trường bất động sản do các dự án hiện nay được định giá đất chủ yếu theo phương pháp thặng dư nhưng sẽ tác động đến thị trường ở “pha 2” khi doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội thì người dân có tâm lý muốn bán với giá cao hơn trước đây, dẫn đến áp lực “kích đẩy” làm tăng giá nhà.
Do vậy, cần có biện pháp để kiểm soát hiệu quả hoạt động của giới “đầu nậu”, “cò đất”, “doanh nghiệp bất lương” có thể lợi dụng việc Nhà nước ban hành bảng giá đất điều chỉnh để “kích giá”, thổi giá đất” làm nhiễu loạn thị trường nhằm mục đích trục lợi bất chính.
“Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật để người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp hiểu rõ và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật, đi đôi với các biện pháp quản lý, điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản”, ông Châu kiến nghị./.