Số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy tại thời điểm 31/12/2022, các ngân hàng có 8.529.588 tỷ đồng (366,4 tỷ USD) cho vay khách hàng, tương đương mức tăng 15,9% so với đầu năm.
Song song với việc tăng trưởng tín dụng là nợ xấu tăng chóng mặt đến 38%, tương đương 37.547 tỷ đồng và đạt 136.424 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh nhất 63,2%, tương đương 26.908 tỷ đồng và đạt 69.505 tỷ đồng.
Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 22,1%, tương đương 6.002 tỷ đồng và đạt 33.138 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 15,9%, tương đương 4.636 tỷ đồng và đạt 3.780 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ xấu, nợ dưới tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ 24,8%, nợ nghi ngờ chiếm tỷ lệ 24,3% và nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ lệ 50,9%.
Ngân hàng có nợ xấu lớn nhất là VPBank với 25.137 tỷ đồng. Ba ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước (BIDV, Viecombank, VietinBank) đều nằm trong những nhà băng có nợ xấu lớn nhất bởi vì quy mô cho vay khách hàng đều vượt trên 1 triệu tỷ đồng. Cụ thể, nợ xấu tại BIDV là 17.622 tỷ đồng; VietinBank là 15.796 tỷ đồng; Vietcombank là 7.808 tỷ đồng. SHB và NCB cũng lọt trong danh sách những ngân hàng có nợ xấu lớn nhất với giá trị lần lượt 9.740 tỷ đồng và 8.556 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết ở mức 1,6%, tăng mạnh so với mức 1,34% hồi đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu cao nhất thuộc về NCB với tỷ lệ 17,93%; trong khi đầu năm 2022, tỷ lệ này chỉ ở mức 3%. Hiện nay, nợ xấu tại NCB lên tới 8.556 tỷ đồng, cao gấp 1,48 lần vốn chủ sở hữu.
VPBank cũng có tỷ lệ nợ xấu cao ngất ngưỡng, từ mức 4,47% hồi đầu năm 2022 lên mức 5,73% ở thời điểm cuối năm 2022. Vietbank là ngân hàng thứ 3 có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3% khi đạt 3,65%, tương đương so với đầu năm 2022.
6 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, là BacABank (tỷ lệ 0,53%); Vietcombank (0,68%); ACB (0,74%); TPBank (0,84%); Techcombank (0,91%), Sacombank (0,98%).
Nguyễn Như