Đại diện của Thành Công Motor (TC Motor) và Skoda Auto đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm gia nhập thị trường ô tô Việt Nam, bước đầu trong công cuộc mở rộng thị trường ở khu vực Đông Nam Á của thương hiệu xe từ Séc.
Buổi lễ diễn ra tại Hà Nội và còn có sự góp mặt của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Ninh Bình.
Theo đó, ban đầu TC Motor và Škoda Auto sẽ hợp tác để đưa những chiếc ô tô đầu tiên mang thương hiệu Skoda theo dạng nhập khẩu về Việt Nam vào năm 2023; với việc thuế nhập khẩu ô tô từ châu Âu giảm dần qua từng năm và tiến về mức 0% sau 10 năm, các mẫu xe Skoda được kỳ vọng sẽ có giá bán hợp lý so với các thương hiệu khác tới từ cùng khu vực.
Tuy nhiên, cùng lúc đó 2 đối tác sẽ cùng tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Như từng đưa tin trước đây, nhà máy lắp ráp của Škoda Auto sẽ được đặt tại Quảng Ninh, với những chiếc sớm nhất lăn bánh khỏi dây chuyền vào cuối năm 2023. Đây sẽ là cơ sở sản xuất đầu tiên của Skoda tại khu vực Đông Nam Á, linh kiện lắp ráp dự kiến sẽ được nhập khẩu chủ yếu từ nhà máy của Skoda tại thành phố Pune (Ấn Độ).
Theo đánh giá, Việt Nam chính là quốc gia đã có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với Cộng hòa Séc, cùng với thị trường gần 100 triệu dân có thể sẽ là cửa ngõ cho thương hiệu ô tô Séc tham gia vào khu vực ASEAN với lượng khách hàng tiềm năng có thể lên tới 600 triệu. Hiện tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam chỉ khoảng 34 chiếc/ 1.000 dân, thị trường nước ta đang đứng thứ 4 ở ASEAN.
Đại diện Skoda Auto và TC Motor ký kết thỏa thuận.
Skoda cho biết, TC Motor sẽ chịu trách nhiệm sản xuất, lắp ráp và phân phối tại Việt Nam đối với các mẫu ô tô của thương hiệu Séc tại thị trường Việt Nam. Trong đó, từ năm 2023, TC Motor sẽ nhập khẩu từ châu Âu và kinh doanh các dòng xe gồm: Kodiaq, Karoq, Superb và Octavia.
Mặt khác, những mẫu xe Skoda đầu tiên được lắp ráp tại nhà máy tại Việt Nam sẽ là Kushaq và Slavia, 2 mẫu SUV và sedan vốn đang được sản xuất và bán tại Ấn Độ; Việt Nam có thể sẽ trở thành thị trường nước ngoài đầu tiên đón nhận 2 ô tô này. Ngoài ra, mẫu xe thuần điện Enyaq iV cũng nằm trong kế hoạch lắp ráp tại nhà máy Quảng Ninh từ năm 2025.
Škoda Auto kỳ vọng sẽ đạt doanh số hàng năm 30.000 ô tô trong giai đoạn đầu và lên tới hơn 40.000 chiếc mỗi năm từ năm 2030, nhờ việc mở rộng mạng lưới phân phối lên hơn 50 đại lý, các cơ sở đầu tiên sẽ được đặt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tổng quan chiến lược đầu tư và phát triển của Skoda tại Việt Nam.
Đối với TC Motor, việc hợp tác cùng Škoda sẽ giúp nhà sản xuất Việt Nam mở rộng danh mục thương hiệu ô tô lắp ráp và phân phối tại Việt Nam từ châu Á đến châu Âu. Vào tháng 9/2020, tập đoàn Thành Công cũng đã bắt đầu xây dựng dự án Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) với tổng diện tích 340 ha và vốn đầu tư 799 tỷ đồng.
Škoda Auto là một trong những hãng xe phổ thông của châu Âu ít ỏi có dây chuyển lắp ráp tại Việt Nam, hiện tại đã có dây chuyền nhà máy Peugeot tại Chu Lai (Quảng Nam) nhưng do Thaco quản lý hoàn toàn. Trong khi đó, Mercedes-Benz cũng sở hữu nhà máy tại TP HCM nhưng hoàn toàn lắp ráp xe sang để bán ra tại thị trường trong nước.
Trong số các nước ASEAN, hiện mới chỉ có Singapore là thị trường đầu tiên và duy nhất có sự xuất hiện của thương hiệu Škoda từ năm 2018. Hiện Škoda Auto thuộc sở hữu của tập đoàn Volkswagen, ô tô của thương hiệu này đã được bán chính thức tại 102 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo Chiến lược 2025, hãng xe Séc dự định sẽ mở rộng tới 120 thị trường, trong đó Đông Nam Á được xác định là một khu vực quan trọng nằm trong kế hoạch kinh doanh.
Hoàng Nguyễn