Trên kênh thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước vẫn hỗ trợ thanh khoản hệ thống cho dịp Tết Nguyên đán, khi tiếp tục sử dụng các hợp đồng mua kỳ hạn có kỳ hạn 91 ngày. Trong tuần qua, có 12 ngàn tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày và 20 ngàn tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày được phát hành, với lãi suất lần lượt là 6,4% và 6,0%.
Bên cạnh đó, có tới 40 ngàn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn và giúp Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 26,4 ngàn tỷ đồng trên kênh hoạt động thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống còn 69,7 ngàn tỷ đồng và không còn khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Nhờ vậy, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm nhiệt về cuối tuần, về mức 4,6% trong khi đó lãi suất các kỳ hạn 1 tuần - 1 tháng dao động 5,2 - 7,6%, giảm gần 100 điểm cơ bản so với tuần trước. Điều này một phần nhờ những kỳ vọng về thanh khoản thị trường trong 1 tháng tới vẫn khá tích cực trước những động thái mang tính hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa lãi suất VND và USD liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã thu hẹp về chỉ còn 50 điểm cơ bản sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 50 điểm cơ bản và áp lực lên tỷ giá cũng phần nào xuất hiện.
Trước diễn biến căng thẳng trên lãi suất huy động và từ đó ảnh hưởng tới lãi suất cho vay, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức cuộc họp với các ngân hàng thương mại nhằm tìm giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Một trong điểm nhấn được đưa ra là các ngân hàng thương mại thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng và từ đó có thể giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Trên thực tế, dưới áp lực về thanh khoản, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 cũng tăng nhanh chóng, với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 8,5 - 10%/năm cho các ngân hàng thương mại cổ phần, tăng khoảng 4 - 5 điểm phần trăm so với cuối năm 2021.
Nguyễn Như