Chật vật xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ
Ngày 10/11, Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Tân - TP Hồ Chí Minh thông báo bán đấu giá bất động sản (BĐS) lần thứ 6 với lô đất 236,2m2. Giá khởi điểm 16,2 tỷ đồng. Mức giá này giảm hơn 1 tỷ đồng so với khởi điểm thông báo đấu giá lần 1.
Trước đó, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Vertical Synergy Viet Nam. Tài sản thế chấp cho khoản vay là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại quận 1, 12 và 3 (TP Hồ Chí Minh). Tài sản đảm bảo tại quận 1 là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 63 (tầng 1) đường Pastuer, phường Bến Nghé. Tài sản đảm bảo tại quận 12 là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền của 12 bất động sản tại phường An Phú Đông. Giá khởi điểm cho toàn bộ tài sản trên là 348,3 tỷ đồng. Được biết, khoản nợ được ngân hàng nhiều lần rao bán bán, hiện giá khởi điểm đã giảm hơn 120 tỷ đồng so với lần rao bán hồi đầu tháng 7.
Không riêng BIDV, hàng loạt ngân hàng lớn khác cũng đang đẩy mạnh việc bán đấu giá khoản nợ giá trị lớn. Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank cũng vừa thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ quy đổi hơn 172 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thăng Long, gồm 3 hợp đồng tín dụng. Tài sản đảm bảo cho hợp đồng nói trên là tài sản hình thành trong tương lai đối với dự án khu du lịch nghỉ dưỡng ở huyện Nho Quan (Ninh Bình), gắn liền với thửa đất có diện tích 99 ha, mức giá khởi điểm hơn 172 tỷ đồng.
Trong khi đó, Agribank chi nhánh Sài Gòn thông báo lần 2 bán đấu giá tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty CP Nông dược H.A.I (DN thuộc Tập đoàn FLC). Tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, thửa đất số: 90,93; tờ bản đồ số 27 tại địa chỉ 358 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh với diện tích 3.048 m2. Mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh (xây dựng trung tâm thương mại, cao ốc, văn phòng). Thời hạn sử dụng là 50 năm, kể từ ngày 24/1/2008. Agribank chào giá khởi điểm cho tài sản trên là hơn 190 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng này từng bán đấu giá mảnh đất này trong cuối tháng 9 với giá khởi điểm gần 220 tỷ nhưng không thành công. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá khởi điểm của tài sản này đã giảm gần 30 tỷ, tương đương gần 14%.
VietinBank cũng ra thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ 240,8 tỷ đồng của Công ty TNHH Lục Kim Quân. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ nói trên là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, có diện tích 7.430 m2. Giá khởi điểm của khoản nợ này 151 tỷ đồng.
Ngoài BĐS, các ngân hàng cũng ồ ạt thanh lý ô tô xe sang. Như VIB rao bán loạt xe Mercedes với nhiều mức giá khác nhau. Cụ thể, Mercedes C300 đời 2014 được rao bán giá 650 triệu đồng, một chiếc CLA45 sản xuất năm 2015 giá 905 triệu đồng, một chiếc C250 2018 giá 1,1 tỷ đồng.
Trong danh sách xe chờ thanh lý của VIB còn có một số dòng xe cao cấp khác như Land Rover sản xuất năm 2012 có giá 774 triệu đồng, Volkswagen đời 2016 giá 322 triệu đồng, Peugeot 5008 đời 2019 giá 870 triệu đồng, Peugeot 3008 đời 2021 giá 990 triệu đồng. VietinBank chi nhánh Đông Anh thông báo thanh lý 3 chiếc ôtô Ford Transit có chứng nhận đăng ký năm 2019 - 2021. Giá khởi điểm của 3 chiếc xe là 1,65 tỷ đồng, trong đó giá của từng xe là 550 triệu đồng. Thời gian đấu giá dự kiến đầu tháng 12….
Với tài sản đảm bảo là ô tô, có ngân hàng lựa chọn hình thức bán trực tiếp nhưng cũng có nhà băng sử dụng phương pháp bán đấu giá. Như 2 siêu xe Rolls-Royce cùng 1 du thuyền của FLC bị đem ra đấu giá để xử lý nợ. Tuy nhiên đến nay đã có 2 tài sản đấu giá thất bại vì không ai mua.
Áp lực nợ xấu gia tăng
Lý giải nguyên nhân các ngân hàng rao bán tài sản thế chấp dù giảm giá liên tục mà vẫn ế, giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do nền kinh tế khó khăn hậu Covid-19 kéo dài, thị trường giao dịch tài sản thanh khoản thấp. Đến nay, dù kinh tế đang phục hồi nhưng cũng không dễ tìm được nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính để mua lại các khoản nợ có quy mô lớn.
Ngoài nguyên nhân về kinh tế, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW, nhiều tài sản đem ra phát mại nhưng sau một quá trình dài xử lý nợ xấu, tài sản trở nên hết giá trị hoặc là giá trị còn thấp. Ví dụ về một chiếc xe ô tô, nếu là chiếc xe đời những năm 2006 - 2010 thì nay đem ra phát mại cũng không còn ai mặn mà muốn mua nữa.
Còn với BĐS, ông Nguyễn Văn Đính - Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, BĐS phát mại, thanh lý khá hấp dẫn do mức giá "mềm". Tuy nhiên, với những người mua nhà để ở thì họ lại không mặn mà, khi quan niệm của đa số người dân Việt Nam khi mua nhà là tránh những ngôi nhà mà chủ cũ làm ăn “bết bát”. Trong khi không ít tài sản bảo đảm đã được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay. Do đó, khi thanh lý, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị khoản nợ mà không sát với giá thị trường.
Ngoài ra còn nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản và các thủ tục khi mua được tài sản thanh lý… Đây cũng là điều khiến người mua còn ngập ngừng trước những tài sản phát mại của ngân hàng.
Chưa bao giờ, tài sản phát mại của các ngân hàng được đem ra bán đấu giá nhiều như thời gian này. Lãnh đạo của một ngân hàng trong khối Big 4 chia sẻ, đấu giá khoản nợ là hoạt động bình thường của ngân hàng khi DN không có khả năng trả nợ. Tài sản bảo đảm tại các ngân hàng hiện nay rất đa dạng từ BĐS, động sản, tiền gửi, vàng, đá quý, giấy tờ có giá, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị, hàng tồn kho… Tuy nhiên, tài sản chủ yếu và phổ biến nhất vẫn là BĐS.
Theo các chuyên gia tài chính, khối tài sản thế chấp, cầm cố là BĐS đang phình to ở nhiều ngân hàng trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng dẫn đến nợ xấu và việc thu hồi nợ càng khó khăn.
Thống kê số liệu báo cáo tài chính quý III/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/9/2022, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng ở mức gần 129.800 tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 9 tăng mạnh tới 62,5% so với đầu năm, lên gần 72.400 tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng nợ xấu, so với tỷ trọng 44% hồi đầu năm.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới công bố, SSI Research cho rằng chất lượng tín dụng trong năm 2023 có thể chịu áp lực lớn hơn so với năm 2022, do rủi ro liên quan đến lĩnh vực BĐS và thị trường trái phiếu DN có thể dần hiện hữu.
Trâm Anh