Lãi suất huy động có thể nóng hơn vào cuối năm
Tại MB đã có những điều chỉnh tăng rất mạnh, với mức tăng từ 0,2 - 0,95% tùy theo từng kỳ hạn. Tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng 0,2% lên 3,8%; tại kỳ hạn 6 tháng lãi suất tiết kiệm tăng 0,43% lên 5,3%; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,53% lên 6,1%; kỳ hạn 24 tháng tăng 0,95% lên 6,7%/năm…
Biểu lãi suất tiết kiệm tại quầy bằng VND mới nhất tại Sacombank cho thấy, lãi suất huy động tại một số được kỳ hạn được khảo sát đã điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm so với cùng kỳ tháng 8/2022.
Cụ thể: Lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng đều tăng thêm 0,2%/năm; qua đó lần lượt niêm yết tại 5,4%/năm, 6,0%/năm, 6,4%/năm. Còn tại NamÁBank, mức cao nhất là 7,4% thuộc về kỳ hạn tiền gửi từ 16 đến 36 tháng.
Đáng chú ý, lãi suất huy động cao nhất hiện thuộc về ABBank với 8,8%/năm kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5%/năm so với biểu lãi suất niêm yết trước đó. Tiếp sau là SeABank với 7,85%/năm. Đây là lãi suất áp dụng cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND, với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất huy động cao nhất trên 7%/năm như SCB với 7,55%/năm; Kienlongbank với 7,3%/năm; Techcombank với 7,1%/năm...
Ngoài tăng lãi, nhiều ngân hàng khuyến khích người dân gửi tiền qua hàng loạt chương trình khuyến mãi tặng quà, trúng thưởng, cộng tiền... Cùng với đó, nếu khách hàng chọn các gói tài khoản đặc biệt kèm điều kiện về số tiền, thời gian gửi, không được phép rút ra trước hạn... còn được ngân hàng áp dụng mức lãi cao hơn.
Dự báo diễn biến lãi suất những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, lãi suất huy động sẽ còn tăng do nhu cầu tín dụng hồi phục. Trong khi đó, từ 1/10, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn sẽ phải giảm từ 37% xuống 34%, kéo theo việc các ngân hàng phải gia tăng nguồn vốn huy động dài hạn.
Việc bổ sung thêm hạn mức tăng trưởng (room) cho các ngân hàng sẽ được NHNN công bố sắp tới cũng khiến lãi suất tăng. SSI dự đoán, một số ngân hàng sẽ được bổ sung room tín dụng 3 - 5% tùy sức khỏe, tổng room được cấp cho các ngân hàng trong hạn mức còn lại của năm 2022 tương đương 457.000 tỷ đồng.
“Tăng lãi suất huy động còn nhằm mục đích chuẩn bị nguồn vốn cho vay dịp cuối năm ngay khi được NHNN phân bổ thêm room tín dụng” - lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho hay.
Áp lực lãi suất cho vay
Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng kỳ hạn 12 tháng hiện nay đã tiệm cận mức 8 - 9%/năm. Với lãi suất này, cộng thêm biên độ từ 3 - 4%/năm nữa thì lãi suất vay kỳ hạn 12 tháng đã ở mức hơn 11%/năm. Nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng thì lãi suất cho vay sẽ khó tránh khỏi tăng cao hơn.
Thực tế, thời gian gần đây, lãi suất cho vay đã bắt đầu tăng. Báo cáo của FiinGroup mới đây cũng cho hay, lãi suất cho vay trên thực tế đã tăng, bình quân tăng 0,4 điểm phần trăm từ mức rất thấp trong quý I/2022.
Giám đốc một DN tại Hà Nội, chia sẻ, cuối năm ngoái công ty ông có khoản vay tại một ngân hàng cổ phần, với lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Đến hết kỳ hạn, khi ông hỏi vay tiếp thì nhân viên ngân hàng thông báo lãi suất cho vay đã tăng lên 9%/năm, nhưng ngay cả khi đồng ý với mức lãi suất này thì công ty cũng khó vay được.
Trên thị trường liên ngân hàng, hiện sự điều hành của NHNN vẫn được đánh giá là linh hoạt với nhiều động thái hút - mở cùng bán ngoại tệ liên tục. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng, cũng như các loại lãi suất trên thị trường mở đã có xu hướng tăng lên.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lãi suất cho vay chịu áp lực điều chỉnh tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022, và sang cả năm 2023 do dư địa tín dụng hạn hẹp. Lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và sẽ còn tăng tiếp trong nửa cuối năm, cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào do ưu tiên ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát.
Đến cuối năm 2022, lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo xấp xỉ 3,5 - 3,75%, gần sát với mức lãi suất tái cấp vốn hiện tại. Không chỉ Fed, Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều dự định nâng lãi suất lần nữa vào tháng 9 tới để kiểm soát đà tăng giá cả.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, áp lực tăng lãi suất điều hành rất lớn. Lạm phát nếu kiểm soát được ở mức 4% sẽ là tiền đề thuận lợi cho triển vọng lãi suất và ngược lại.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia khuyến nghị, NHNN cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, song cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để có những điều chỉnh hợp lý nhằm đạt được mục tiêu kép: Vừa kiểm soát lạm phát, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ nền kinh tế tận dụng cơ hội để phục hồi và bứt phá.
“Trong bối cảnh giá cả hàng hóa trên thế giới chưa hạ nhiệt và nhiều quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất cho vay ngắn hạn dao động khoảng 6 - 7%, trung dài hạn từ 8 - 10%/năm được cho là hợp lý và phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay” - chuyên gia Cấn Văn Lực chia sẻ.
Báo cáo kinh tế giữa tháng 8, HSBC nhận định trong bối cảnh FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, quý III sẽ là thời điểm bắt đầu chu kỳ thắt chặt của NHNN. HSBC cho rằng, lạm phát ở Việt Nam sẽ được kiểm soát, nhưng lãi suất cho vay khó có thể giảm.
Thảo Nguyên