Phối cảnh một dự án bất động sản đang được ngân hàng rao bán để thu hồi nợ. Ảnh minh hoạ
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 30/6/2022 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 784.575 tỷ đồng.
Chia theo phân khúc, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 182.263 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 23,2% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 46.667 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,95% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản…
Những năm qua, nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng đã góp phần thúc đẩy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng trong quá trình xét duyệt hồ sơ cho vay đã không thẩm định kỹ năng lực của các chủ đầu tư, dẫn đến việc phải tìm cách bán tháo tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, điều này đang gây áp lực nên hoạt động của các ngân hàng.
Điển hình là VietinBank vừa thông báo xử lý khoản nợ có tài bản bảo đảm của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Đức Long Gia Lai - Mã: DLG).
Tài sản cần xử lý là quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng (diện tích 3.180 m2) và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của dự án Bến xe khách liên tỉnh.
Giá bán/chuyển nhượng tối thiểu được VietinBank đưa ra là gần 48,3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản sẽ được dùng để thanh toán nợ vay của khách hàng tại VietinBank. Người mua và bên bảo đảm tự thỏa thuận và thanh toán đầy đủ mọi chi phí phát sinh liên quan quá trình xử lý tài sản. Thời gian thực hiện và thanh toán nợ vay là trong tháng 9/2022.
Tương tự, thời gian qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã liên tục thông báo đấu giá nhiều bất động sản từ vài tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng tại TP.HCM. Đây là những khoản nợ xấu, thậm chí có khoản nợ còn đang tranh chấp kiện ra tòa.
Cụ thể, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên tại địa chỉ 10 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.
Tài sản này có giá khởi điểm hơn 4.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại thời điểm thông báo đấu giá, BIDV đang tham gia giải quyết tranh chấp liên quan đến Khoản nợ trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” tại Tòa Án Nhân dân Quận 1 theo thông báo về việc thụ lý vụ án số 43/TB-TLVA ngày 21/03/2022.
Trước đó, ngày 28/6 vừa qua, BIDV cũng thông báo lựa chọn đợn vị thẩm định giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ của hai doanh nghiệp là CTCP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi.
Tạm tính đến ngày 17/8, tổng dư nợ của CTCP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi tại BIDV chi nhánh Gia Lai là 572,4 tỷ đồng. BIDV cho biết tài sản bảo đảm khoản nợ là nhà máy thủy điện Đắk Psi có địa chỉ tại xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.
Khoản nợ thứ hai là của Công ty TNHH Hoàng Nhi, tính đến 17/8 dư nợ của doanh nghiệp này tại BIDV chi nhánh Gia Lai là hơn 430,5 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho dư nợ vay là nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại khu công nghiệp Trà Đà (tỉnh Gia Lai), 66 động sản là các thiết bị thi công xây dựng và 13 bất động sản, tài sản của bên thứ ba như nhà máy làm việc của CTCP Vật liệu và xây lắp cùng cổ phiếu chưa niêm yết của ông Hồ Sỹ Thái tại hai công ty là CTCP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và CTCP Thủy điện Nước chè...
Trước đó, BIDV chi nhánh Bình Tân (BIDV Bình Tân) cũng rao bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 2791 Huỳnh Tấn Phát, ấp 6, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP HCM. Thửa đất có diện tích 236,2 m2, là đất ở tại nông thôn có thời hạn sử dụng lâu dài. Tài sản gắn liền với đất có nhà ở cấp 4, diện tích xây dựng là 151m2.Giá khởi điểm của tài sản đấu giá lần này là 21,18 tỷ đồng.
Mới đây, Vietcombank (HoSE: VCB) thông báo bán đấu giá các bất động sản tại tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Quảng Nam và TP.HCM với tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng.
Cụ thể, Vietcombank chi nhánh Đông Sài Gòn thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của một khách hàng cá nhân, tài sản có địa chỉ tại số 117 đường Đông Tĩnh, phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc thửa 2166 có diện tích đất 995,26 m2, diện tích xây dựng 165,8 m2, diện tích sàn 450,52 m. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 40,5 tỷ đồng.
Vietcombank chi nhánh Cà Mau thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Xuất nhập khẩu Tân Phú với giá khởi điểm 33,5 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là nhà và đất tại số F1, C4 khu Cư xá Tân Cảng, đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM, khu đất có diện tích 293 m2.
Vietcombank chi nhánh Bạc Liêu thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của CTCP Sản xuất và Thương mại Thiên Tân với giá khởi điểm 14,3 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thôn Thanh Nhứt, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Lô đất rộng gần 500 m2, là đất ở nông thôn.
Ngoài các tài sản trên, Vietcombank còn có thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn với tài sản thế chấp là nhiều bất động sản tại thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng.
Đến hết 30/4/2021, tổng dư nợ của Việt Trường Sơn là hơn 33,3 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 12 tỷ đồng, nợ lãi 21,3 tỷ đồng. Từ tháng 4/2020 đến này, khoản nợ này đã được Vietcombank rao bán gần 20 lần nhưng vẫn chưa tìm được người có nhu cầu mua.
Ở lần thông báo đấu giá này, Vietcombank đưa ra giá khởi điểm là 20,05 tỷ đồng, giảm hơn 18,5 tỷ đồng, giảm 51% so với lần rao bán đầu tiên vào tháng 4/2020. Giữa các lần rao bán trước, mỗi lần đăng thông báo Vietcombank lại hạ giá khoản nợ trên từ 200 triệu đến hơn 4 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi tại Diễn đàn "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới", do VCCI tổ chức mới đây, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có xu thế phát triển từ thâm dụng vốn. Tăng trưởng tín dụng nhanh hơn GDP trong 5 năm gần đây. Sáu tháng đầu năm tín dụng đã tăng 9,35% so với cuối năm 2021 - cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua - nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn khát vốn quá?.
Theo ông Hiển, nguyên nhân là do nợ xấu tại các ngân hàng tăng, nguồn thu nợ chậm khiến ngân hàng giảm mức cho vay, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, khiến cho dòng tiền chậm quay về. Việc này đã ảnh hưởng dây chuyền đến vốn cho các ngành khác.
"Làm việc với các doanh nghiệp, chúng tôi ghi nhận hiện có đến 80% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn về vốn. Có doanh nghiệp chỉ cần vài tỷ đồng để quay vòng, tình hình kinh doanh rất tốt nhưng khi đến vòng quay vốn mới thì ngân hàng bóp lại, doanh nghiệp ngơ ngác không biết tại sao. Điều này dẫn đến việc cả doanh nghiệp có tài chính mạnh vẫn có thể đứt gãy khi gặp rủi ro từ tác động dây chuyền do đứt thanh toán trong chuỗi cung ứng", ông Hiển nói.
Văn Xuân