Cuối tháng 4 vừa qua, chính quyền Đà Nẵng đã xác nhận dự án Đà Nẵng Times Square đủ điều kiện được huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định.

Dự án này được chính thức khởi công vào năm 2017, các tòa tháp có quy mô xây dựng từ 30-50 tầng với số lượng hàng ngàn căn hộ condotel dự kiến bàn giao năm 2019 nhưng sau đó thì "trùm mền".

Tháng 5/2023, UBND TP. Đà Nẵng đã có quyết định cho phép Công ty Cổ phần Kim Long Nam được chuyển mục đích sử dụng lô đất CT3 và CT7 để thực hiện dự án tháp CT3&CT7, lô đất CT1 và CT2 để thực hiện dự án tháp CT1&CT2 .

Theo đó, TP. Đà Nẵng cho phép Công ty Cổ phần Kim Long Nam được chuyển mục đích sử dụng gần 4.000m2 đất thương mại dịch vụ của các lô đất trên để sử dụng vào mục đích đất ở tại đô thị (xây dựng nhà chung cư). Thời hạn sử dụng đất đến ngày 30/3/2056.

Cùng với Đà Nẵng Times Square, dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Cocobay Đà Nẵng) của CTCP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô cũng được chính quyền Đà Nẵng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ thành chung cư. 

Cụ thể, năm 2019, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 phân khu của dự án, cho chuyển đổi 50% các công trình căn hộ khách sạn (không hình thành đơn vị ở) đang xây dựng tại cụm HH2, HH3, HH5 thành căn hộ chung cư (hình thành đơn vị ở).

Với các công trình căn hộ khách sạn cao tầng chưa xây dựng tại cụm HH4, HH6, HH7 chuyển thành căn hộ chung cư, biệt thự, biệt thự song lập, nhà chia lô liền kề.

Riêng công trình cao tầng HH1 giảm chiều cao từ 50 tầng xuống 40 tầng, chuyển đổi 50% thành căn hộ chung cư. Theo đó, có khoảng 1.500 căn condotel được chuyển thành căn hộ chung cư…


Dự án Time Square Đà Nẵng. (Ảnh: Vietnamnet)

Liên quan đến việc này, trong báo cáo vừa phát hành về thị trường bất động sản Việt Nam quý II/2024, chuyên gia Avision Young Việt Nam bày tỏ quan ngại, những thay đổi này làm tăng lượng cung căn hộ tại khu vực, mặt khác, tác động tiêu cực đến hệ thống hạ tầng, làm xáo trộn quy hoạch đô thị và tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo Avision Young Việt Nam, loại hình căn hộ nghỉ dưỡng phục vụ nhu cầu lưu trú ngắn hạn, trong khi đó, căn hộ chung cư đòi hỏi đi kèm tiện ích trong khu vực như bệnh viện, trường học, hạ tầng kỹ thuật... phục vụ cho nhu cầu sinh sống lâu dài của cư dân.

“Những chuyển biến này cần được cân nhắc và xem xét thận trọng nhằm phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sống tại khu vực”, chuyên gia cảnh báo.

Pháp lý dự án thay đổi khiến người mua thận trọng

Đề cập đến tình hình hoạt động của thị trường căn hộ tại Đà Nẵng trong quý II vừa qua, báo cáo cho biết, thị trường ghi nhận nguồn cung mới đến từ dự án Sun Symphony Residence với tổng số 495 căn tại quận Sơn Trà, trung tâm TP. Đà Nẵng. Bên cạnh đó, nguồn cung căn hộ tại khu vực cũng đến từ các giỏ hàng hiện hữu như Nam Ô Discovery (Gotec Land) và Sun Ponte Residence (Sungroup).

Các sản phẩm căn hộ được mở bán tại Đà Nẵng phần lớn thuộc phân khúc cao cấp. Sự chuyển dịch này nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Về giá bán, báo cáo cho biết, giá bán sơ cấp trung bình căn hộ đang được mở bán tại Đà Nẵng trong quý II/2024 rơi vào khoảng 3.000-3.500 USD/m2, tăng khoảng 15-20% so với quý trước. Sự gia tăng này đến từ việc các sản phẩm hiện hữu trên thị trường thuộc phân khúc cao cấp, có vị trí gần trung tâm và cảnh quan xung quanh đẹp như Sun Ponte Residence và Sun Symphony Residence (Sungroup) với giá bán trung bình khoảng 3.000-3.500 USD/m2 và Nam Ô Discovery (Gotec Land) với giá bán khoảng 2.900-3.400 USD/m2.

Tuy nhiên, ngược lại với đà tăng giá của thị trường, tỉ lệ hấp thụ trong quý có chiều hướng suy giảm do tâm lí người mua, họ trở nên thận trọng trước những thay đổi về pháp lý và diễn biến giá bán tăng cao, thu hẹp tệp khách hàng tại khu vực.

Theo báo cáo, thời gian qua tại Đà Nẵng, nhiều dự án căn hộ đã khởi động lại sau thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các vấn đề pháp lí và sự không ổn định về nguồn vốn; trong đó, dự án Peninsula Đà Nẵng (Tập đoàn Đông Đô) tại quận Sơn Trà tiếp tục xây dựng sau khoảng thời gian điều chỉnh giảm quy mô dự án từ 36 tầng xuống còn 31 tầng.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng đã đưa ra các chiến lược và biện pháp để thích nghi với tình hình mới, bao gồm tái cấu trúc tài chính, điều chỉnh kế hoạch bán hàng và thay đổi định vị sản phẩm.

“Việc khởi động lại các dự án này được kỳ vọng đóng góp tích cực vào phục hồi thị trường bất động sản Đà Nẵng trong thời gian tới”, báo cáo nhấn mạnh./.