Ngày 7/12, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề lĩnh vực giao thông đô thị trên địa bàn Thành phố để xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm và lộ trình, giải pháp để khắc phục.
Nhu cầu khoảng 1.694.000 tỷ, mới dự kiến bố trí 280.000 tỷ
Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ đại biểu quận Tây Hồ) cho biết, hiện nay, mức độ thực hiện quy hoạch giao thông vận tải đạt thấp, chưa đến 50%, trong khi nguồn lực đầu tư của Thành phố có hạn. Mặc dù, Thành phố đang dành 2/3 ngân sách đầu tư công cho các dự án cấp Thành phố giai đoạn 2021 – 2025, tuy nhiên, thực tế còn nhiều công trình giao thông chậm tiến độ và ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Nhiều dự án chưa được ưu tiên đầu tư nên chưa tập trung hoàn thành để khép kín các đường vành đai và cải thiện giao thông công cộng.
“Đề nghị Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong quá trình có thẩm định các dự án, Sở đã có tham mưu với UBND Thành phố thế nào để tập trung đầu tư có hiệu quả và thứ tự tiên như nào? Trách nhiệm của Sở với dự án chậm thi công?”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ đại biểu quận Tây Hồ).
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, Sở đã rà soát chỉ tiêu quy hoạch, trong đó, chỉ tiêu quy hoạch cơ bản thực hiện dưới 50%. Về đường bộ, mới thực hiện khoảng 45%, trong đó, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 12,13%, trong khi quy định từ 20 - 26%. Đặc biệt, trong đó đầu tư vận tải công cộng có 10 tuyến với 417km. Trong khi, quy hoạch dự kiến năm 2025 hoàn thành 4 tuyến, tuy nhiên đến nay mới hoàn thành 2 tuyến.
Về số lượng, quy hoạch 18 cây cầu qua sông Hồng, nhưng mới đầu tư được 9 cây cầu; qua sông Đuống quy hoạch 8 cây cầu nhưng hiện nay mới triển khai được 1. Tất cả nội dung này cộng với sự phát triển nhanh về dân số cơ học và phương tiện cá nhân khiến xây dựng hạ tầng luôn đuổi theo tốc độ tăng phương tiện cá nhân nên gây ùn tắc giao thông.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ nhu cầu khoảng 1.694.000 tỷ đồng, trong khi đó, tại HĐND Thành phố hai nhiệm kỳ (2016 - 2026) mới dự kiến bố trí 280.000 tỷ đồng. Số lượng hạ tầng khung cần hoàn thành hiện nay còn 120km đường vành đai, 250km đường hướng tâm, 258km đường liên khu vực và 383km đường tỉnh lộ, 386km đường sắt đô thị.
Về nguyên tắc, sở GTVT mong muốn Thành phố chỉ đạo theo hướng số lượng dự án phù hợp với khả năng cân đối vốn, đảm bảo tính khả thi trong thực hiện và hoàn thành trong giao đoạn này. Quan điểm thực hiện, cố gắng thực hiện đầu tư trọn gói dự án và tập trung dự án đầu tư kết nối giao thông giải tỏa ùn tắc, khắc phục điểm đen tai nạn và thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Về thứ tự ưu tiên, đối với dự án cấp bách, trọng điểm (đường vành đai, hầm chui, đường sắt đô thị…) cần hoàn thiện dứt điểm tại các nút quá tải, hay ùn tắc. Tiếp đó, ưu tiên đầu tư cầu qua sông và kết nối các tỉnh; đầu tư các tuyến đường tỉnh lộ.
Về nguyên nhân chậm tiến độ thực hiện dự án, ông Nguyễn Phi Thường cho biết, Sở GTVT Hà Nội thống nhất với Sở KH&ĐT có một số nguyên nhân, như: tác động của Covid-19, tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư; quy định pháp luật, cơ chế chính sách, giá nhân công vật liệu tăng cao…
Quy hoạch hơn 1.600 bãi đỗ xe, mới làm được... 96 !
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Khánh Hưng (Tổ đại biểu huyện Ba Vì) đề nghị Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết trách nhiệm trong việc để phần lớn các dự án đã được giao chủ đầu tư, cấp cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư chậm triển khai? Giải pháp, kế hoạch của Sở để giải quyết dứt điểm tình trạng trên? Trong thời gian tới, Sở có tham mưu gì cho UBND Thành phố để tháo gỡ các vướng mắc trong cơ chế thu hút xã hội hoá đầu tư với lĩnh vực này? Nếu có cơ chế thì bao giờ ban hành? Đồng thời, đề nghị Giám đốc Sở cho biết tình hình triển khai bãi đỗ xe tập trung ở khu đô thị mới?
Đại biểu Trần Khánh Hưng cũng đề nghị Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc cho biết các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về chỉ tiêu quy hoạch, diện tích khai thác thương mại để khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư bãi đỗ xe?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân cho biết, theo quy hoạch, Thành phố có 1.620 bãi đỗ xe, trong đó, có 73 bãi đỗ xe ngầm. Đến nay, đã triển khai được 96 bãi đỗ xe và hiện đang xem xét để điều chỉnh chủ trương đầu tư với 52 bãi đỗ xe. Qua rà soát, Sở đã trình Thành phố chấm dứt 5 dự án và thời gian tới, sẽ chấm dứt thêm 2 dự án. Có 6 dự án, vừa qua, đã trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện, còn 37 dự án đang có vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chỉ định thầu, trước liên quan đến phần đất công, nay theo quy định của Luật Tài sản công đang có vướng mắc.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân, thời gian qua, theo quy định của Thành phố, Sở đã tiến hành rà soát và chấm dứt một số bãi đỗ xe (như bãi đỗ xe Gia Thụy trên địa bàn quận Long Biên). Tuy vậy, thực tế cho thấy tính hấp dẫn của bãi đỗ xe đối với nhà đầu tư không cao do chưa rõ quan điểm coi đây là công trình thương mại dịch vụ hay là một bộ phận kết cấu của hạ tầng giao thông. Ngoài ra, quá trình khai thác bãi đỗ xe ở khu vực trung tâm khu dân cư có tính hấp dẫn cao; còn bãi đỗ xe quy hoạch xa dân cư, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ thì không hấp dẫn các nhà đầu tư.
Về giải pháp, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu Thành phố báo cáo Bộ GTVT để làm rõ một số nội dung theo luật chuyên ngành nhằm thống nhất trong phê duyệt chủ trương, giao đất, tính tiền sử dụng đất với bãi đỗ xe. Hiện, Sở đang xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư và gửi các sở, ngành, quận, huyện tập hợp đưa vào kêu gọi để lựa chọn nhà đầu tư. Với khu vực có nhu cầu cao, việc tính toán khả năng đầu tư không hòa vốn được, ngoài việc dài hạn theo đối tác công tư, ngân sách có thể bỏ ra đầu tư để giải quyết vấn đề đang bức xúc về bãi đỗ xe ảnh hưởng giao thông đô thị trên địa bàn.
Trả lời câu hỏi cơ chế giá trông giữ xe thế nào để khuyến khích nhà đầu tư thu hồi vốn, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, Chính phủ quy định hỗ trợ tiền thuê đất với bãi đỗ xe ngầm bằng 10% tiền thuê mặt đất. Hà Nội cũng có chính sách hỗ trợ riêng tiền thuê đất bãi đỗ xe nổi là 100%.
Lý giải nguyên nhân khó thu hút nhà đầu tư bến đỗ xe ngầm, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, vốn đầu tư cho bãi đỗ ngầm rất cao trong khi giá trông giữ xe bị khống chế. Do đó, thực tế, các bãi xe nổi thu với giá UBND Thành phố quy định thì tạo điều kiện cho nhà đầu tư có lợi nhuận hợp lý để tiếp tục phát triển nhưng với nhà đầu tư bãi đỗ xe ngầm thì lại rất khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính đề xuất 3 phương án. Một là phương án khai thác: Hiện nay, đang khai thác theo hình thức nhà đầu tư, doanh nghiệp trông giữ xe thu theo giá quy định của UBND Thành phố, phần này chỉ nộp thuế. Sở Tài chính đề xuất UBND Thành phố chuyển sang cơ chế đấu giá mặt bằng này để khai thác trông giữ xe. Như vậy, Nhà nước sẽ có một khoản thu phí từ đấu giá, sau đó nhà đầu tư, doanh nghiệp trông giữ xe sẽ thu phí theo giá Thành phố quy định, từ đó có nguồn lực để phát triển nội dung này.
Với bãi đỗ xe ngầm, Giám đốc Sở Tài chính nhấn mạnh, muốn kêu gọi đầu tư phải có cơ chế. Giá trông giữ xe Thành phố ban hành năm 2017 và năm 2019 tại nghị quyết của HĐND Thành phố có một số chính sách về tiền thuê đất. Sở Tài chính đề xuất ngoài chính sách về đất, UBND Thành phố có chính sách hỗ trợ thêm để kêu gọi đầu tư. Ví dụ như hỗ trợ về lãi suất, nhất là kêu gọi đầu tư bãi đỗ xe ngầm. Cùng với đó, Sở Tài chính cũng đề xuất, một số khu vực công cộng có thể đầu tư ngân sách phát triển bãi đỗ xe ngầm, ví dụ, như công viên bởi hiện các công viên chủ yếu khai thác phần mặt đất và có vị trí ở quanh nhiều khu dân cư cần bãi xe.
Giám đốc QH&KT Nguyễn Trọng Kỳ Anh khẳng định, quan điểm của Sở thống nhất cách tiếp cận, tính chất, chính sách của ngành kế hoạch và đầu tư, ngành tài chính trong triển khai bãi đỗ xe và cho rằng, cần xác định tính chất là công trình hạ tầng giao thông hay công trình có tính chất thương mại dịch vụ thì cần phải xem xét mới có thể khuyến khích được.
Sở QH&KT đề nghị tăng thêm phần dịch vụ thương mại trong phần ngầm nhưng làm thế nào để không làm giảm phần diện tích bãi đỗ xe công cộng chung. Vấn đề này Sở sẽ cùng Sở GTVT xem xét để nếu cần thiết sẽ có điều tiết trong điều chỉnh Nghị quyết của HĐND Thành phố.
Về quy hoạch, Sở QH&KT sẽ cùng Sở GTVT tiếp tục rà soát để đảm bảo tính khả thi tối đa trong vấn đề xác định diện tích cho bãi đỗ xe nói chung và công trình ngầm nói riêng. Cùng với đó, Sở sẽ xem xét điều tiết chỉ tiêu. Hiện nay, diện tích không gian ngầm làm bãi đỗ xe cũng như thương mại được tính vào hệ số sử dụng đất của các công trình.
PV