Động thái này là biện pháp để hạn chế lạm phát, nhưng lại mang đến nỗi lo cho những người đã mua nhà có khoản vay tại các ngân hàng và cả người thuộc nhóm thu nhập thấp đang có nhu cầu mua nhà ở.
Nỗi lo về lãi suất
Căn cứ theo Quyết định số 1606/QĐ-NHNN của NHNN về lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ ngày 23/9, các loại lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi đều được điều chỉnh tăng.
Ngay sau khi quyết định được ban hành đã gây ra những hiệu ứng tâm lý nhất định đối với DN, người dân, đặc biệt là DN kinh doanh BĐS, người đã và đang có nhu cầu vay vốn để mua nhà.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra ngày 1/10 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đoàn Thái Sơn cho biết, việc điều chỉnh lần này chỉ tăng lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi và giữ nguyên trần lãi suất cho vay, với mục tiêu bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lãi suất thực dương cho lãi suất tiền gửi để hài hòa lợi ích của các bên tham gia trên thị trường tiền tệ.
“Điều này thể hiện việc điều hành của NHNN đã hướng đến các mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời chúng tôi cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm chi phí hoạt động, tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và DN trong thời gian tới” - ông Đoàn Thái Sơn cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, việc NHNN tăng lãi suất điều hành là hợp thức hóa so với lãi suất thị trường, vì trên thực tế ngay từ thời điểm giữa quý III/2022, hàng loạt ngân hàng đã có động thái tăng trần lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với những đối tượng vay để mua nhà.
Từng được đánh giá là một trong những ngân hàng cho vay mua nhà lãi suất thấp nhất thị trường, nhưng mới đây Shinhan Bank điều chỉnh lãi suất cho vay mua nhà cố định 1 năm đầu tiên từ 6,2% lên 8,2%/năm; vay 36 tháng lên 8,9%/năm thay vì mức 7,6%/năm; vay cố định 60 tháng lên 9,5%/năm thay vì 7,8%/năm.
Tương tự, Ngân hàng UOB đã tăng lãi suất cho vay mua nhà từ mức 6,49%/năm lên 7,69%/năm. Trong khi đó, VIB cũng đã điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm lãi suất lên mức 8,7%/năm cho các khoản vay với mục đích mua nhà.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) mức lãi suất mua nhà 4,99%/năm nhưng chỉ cố định trong 3 tháng đầu, đến tháng thứ 4 sẽ thả nổi theo thị trường, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ tăng thêm từ 0,5 - 1%. Hay như PVcomBank cũng cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu, sau đó thả nổi là 12%/năm...
“Cách đây hơn 3 tháng tôi mua một căn hộ cũ, được duyệt hồ sơ vay vốn 70% giá trị tài sản nhưng không có ưu đãi về lãi suất, thời điểm ký hợp đồng cả tiền lãi và gốc tôi phải trả khoảng 12 triệu đồng/tháng. Mới đây, tôi nhận được thông báo của ngân hàng từ tháng 10/2022 tiền gốc, lãi mà tôi phải trả là gần 16 triệu đồng/tháng, tôi đang rất lo lắng vì những áp lực tài chính trong thời gian tới đây” - Anh Nguyễn Hưng, trú tại chung cư Golden Silk, Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Cân nhắc với những hợp đồng vay vốn
Trên thực tế, không chỉ những người có nhu cầu vay vốn mua nhà gặp khó khăn khi lãi suất tiền vay tăng, mà những người đã vay vốn để đầu tư BĐS thời gian qua cũng đang rơi vào tình cảnh lao đao khi đến kỳ hạn trả nợ nhưng không thể thanh khoản được tài sản.
Các chuyên gia cho rằng, việc NHNN tăng lãi suất điều hành, tiền gửi, trong khi đó hệ thống ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay là động thái phù hợp hướng đến mục đích phục vụ đại bộ phận người dân, đồng thời để chống lạm phát và ổn định giá trị của đồng tiền.
“Nhưng với lãi suất tăng như hiện nay đã vượt ngưỡng an toàn, có thể sẽ làm cho nhiều người không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng để mua nhà. Do đó, nếu tính toán vay mua nhà thì người dân nên cân nhắc khả năng chi trả theo lãi suất thả nổi, nên mua dựa vào mức thu nhập và tiền mặt có sẵn, không nên chi quá 30% tổng thu nhập cho các khoản vay” - Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động, thì cũng sẽ tăng lãi suất cho vay.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng T.Ư trên thế giới đã tăng lãi suất, nếu ngân hàng trong nước không tăng theo đồng Việt Nam sẽ rất dễ bị mất giá, điều này không tốt cho nền kinh tế. “Chính vì thế, những người quyết định mua nhà trả góp cần phải tính toán lãi suất về lâu dài, không để vượt quá năng lực tài chính của mình” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, so với những khoản vay tiêu dùng thì lãi suất cho vay mua, kinh doanh BĐS vẫn đang ở mức thấp hơn. Vì theo tính toán, ngay cả đối với người mua nhà để ở thực vẫn có lợi nhuận khi giá BĐS không ngừng tăng.
Nếu mức lãi suất cho vay thấp thì người đầu cơ sẽ càng “thắng lớn”, còn trong giai đoạn hiện nay giá BĐS tăng và lãi suất cho vay cũng tăng sẽ mang đến rủi ro cho việc đầu tư. Nhưng đáng quan ngại hơn cả, việc tăng lãi suất cho vay sẽ cộng hưởng cho quá trình tăng giá chung của thị trường nhà đất, như vậy những người thu nhập thấp chưa sở hữu nhà ở sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
“Việc tăng lãi suất cho vay khiến nhóm người thu nhập thấp càng khó khăn hơn trong việc sở hữu nhà ở. Nhưng đây chỉ là nguyên nhân thứ yếu, giá nhà đất tăng cao chủ yếu vẫn do vấn nạn về đầu cơ, thổi giá, còn tăng lãi suất chỉ là yếu tố cộng hưởng thêm cho việc tăng giá nhà đất.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, người dân nên hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà, cân đối dòng tiền ổn định nhằm đảm bảo cuộc sống” - Phó Giám đốc IP Land Trần Quốc Việt nhìn nhận.
"Thị trường BĐS sốt trong thời gian qua chủ yếu là do đầu cơ, thổi giá, ít có nhu cầu thực. Vì vậy, thị trường đang bị chững lại, giao dịch khó, nhiều người vẫn đang bị kẹt, lãi suất ngân hàng tăng cao sẽ khiến nhà đầu tư cân nhắc hơn; còn đối với những người vay mua nhà ở thực sẽ cân đối khả năng tài chính và dòng tiền trả nợ nên sẽ ít khó khăn hơn người đầu tư." - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Việt Nam, Nguyễn Thế Điệp
"Cơ hội để giảm lãi suất huy động và cho vay đã qua, Việt Nam cần có một chính sách lãi suất phù hợp, có thể tăng nhưng ở mức vừa phải, gắn với việc điều hành tỷ giá hối đoái để đồng nội tệ không mất giá quá cao. Vì vậy, người dân vay tiền mua nhà cần tính toán kỹ nguồn vốn trả nợ và các chi phí khác đi kèm." - Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực
Doãn Thành