Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, NVL) vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, dự kiến trong khoảng 10-21/3; trong đó có nội dung tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, Novaland dự kiến chào bán hơn 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ thực hiện là 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu có quyền mua 1 cổ phiếu mới), với giá bán không thấp hơn 10.000 đồng. Nếu thực hiện thành công, tối thiểu tập đoàn này có thể thu về 19.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, Novaland cũng đề xuất phát hành thêm hơn 975 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.
Nếu thực hiện thành công cả hai phương án tăng vốn này, quy mô vốn điều lệ của Novaland sẽ tăng thêm hơn 29.250 tỷ đồng, với số tiền thu về tối thiểu tương đương con số này.
Số tiền thu được dự kiến được Novaland sử dụng nhằm tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đầu tư góp thêm vốn vào công ty con, thanh toán các khoản chi phí vận hành chung, các khoản thuế và phải nộp Nhà nước, bổ sung vốn lưu động và thực hiện các dự án do Novaland làm chủ đầu tư.
Thời gian thực hiện cả hai phương án tăng vốn dự kiến trong năm 2023 hoặc theo quyết định của Hội đồng quản trị sau khi Ủy ban chứng khoán phê duyệt.
Dự kiến, sau tăng vốn, quy mô vốn điều lệ của tập đoàn này có thể đạt hơn 48.750 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa cao nhất sàn chứng khoán, vượt qua Vinhomes. Đồng thời, mức vốn điều lệ này cũng đưa Novaland vào top 4 thị trường, sau VPBank, Hòa Phát và BIDV.
Đáng chú ý, ngoài nội dung trên, Novaland cũng đề nghị cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định việc thực hiện tái cấu trúc, gồm thương lượng và triển khai phát hành mới cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, các công cụ khác để tăng vốn hoạt động kinh doanh. Đồng thời, Hội đồng quản trị cũng quyết định việc tái cấu trúc tài chính, bao gồm cả hoán đổi cổ phần, hoán đổi nợ thành cổ phiếu hoặc tài sản.