Theo đó, Techcombank điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cho biểu lãi suất huy động trực tuyến dành cho tài khoản tiết kiệm mới dưới 1 tỷ đồng. Lãi suất kỳ hạn 12-36 tháng giảm 0,1%/năm, từ mức 4,95% xuống còn 4,85%/năm.
Đối với các khoản tiền gửi lớn hơn, từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng và từ 3 tỷ đồng trở lên, mức giảm tương tự cũng được áp dụng.
Đáng chú ý, lãi suất cao nhất hiện nay tại Techcombank là 4,95%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 12-36 tháng với giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên.
Mức lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn hơn vẫn được giữ nguyên. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng là 3,25%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 3,45%/năm, và kỳ hạn 6-11 tháng đang ở mức 4,55%/năm.
Đây là lần đầu tiên Techcombank điều chỉnh lãi suất huy động sau hơn một tháng, trước đó ngân hàng này đã hai lần tăng lãi suất trong tháng 8.
Ngược chiều với Techcombank, trong tuần đầu tháng 10 có 3 ngân hàng tăng lãi suất huy động là LPBank, Bac A Bank và Eximbank.
Trước đó, trong tháng 9, có 12 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, con số thấp nhất trong 5 tháng gần đây.
Diễn biến này báo hiệu tháng 10 sẽ không có nhiều biến động trên thị trường lãi suất huy động, trong bối cảnh các ngân hàng cố gắng không tăng lãi suất tiền gửi nhằm có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng phục hồi sau cơn bão số 3 vừa qua.
Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt các đại diện doanh nghiệp Việt Nam nhân ngày Doanh nhân Việt Nam vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định các giải pháp chính sách của hoạt động ngân hàng đều hướng đến doanh nghiệp và người dân là trung tâm.
“Mỗi khi nền kinh tế khó khăn, người dân và doanh nghiệp gặp khó, hệ thống ngân hàng đều quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, đặc biệt như đại dịch Covid-19 hay trước nhiều biến động thời gian qua. Cụ thể, cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí đối với doanh nghiệp... ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Các ngân hàng thương mại đã dành nguồn lực tài chính, bố trí khoảng 60 nghìn tỷ đồng để giảm lãi và phí cho doanh nghiệp, dù thực tế các tổ chức tín dụng không được chính sách hỗ trợ tài chính nào.
Với vai trò là cơ quan quản lý tiền tệ và các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước muốn giảm lãi suất thấp, cung ứng đầy đủ tín dụng nhưng sứ mệnh của cơ quan này là phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, suy cho cùng cũng vì môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Đại diện Ngân hàng Nhà nước mong doanh nghiệp chia sẻ./.