Khất nợ trái phiếu
Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đăng tải thông báo bất thường của Công ty Cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia (Công ty Sông Hồng Hoàng Gia) về việc chậm thanh toán gốc, lãi cho lô trái phiếu có mã SHHCH2125001.
Theo đó, lô trái phiếu được công phát hành ngày 18/6/2021 và đáo hạn ngày 27/10/2025. Trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng, lãi suất cố định 10,15%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên và sau đó được thả nổi.
Theo kế hoạch, ngày thanh toán gốc, lãi lô trái phiếu SHHCH2125001 là 19/6/2023 với số tiền gốc 109,7 tỷ đồng, tiền lãi gần 11 tỷ đồng. Nhưng, công ty chỉ mới thanh toán được 14,8 tỷ đồng trong 109,7 tỷ đồng tiền gốc và hơn 566 triệu đồng trong gần 11 tỷ đồng tiền lãi
Nguyên nhân của việc chậm trễ này là do tổ chức phát hành chưa thu xếp kịp nguồn lực thanh toán
Thua lỗ triền miên vẫn được MB, MBS thu xếp phát hành trái phiếu
Ngày 18/6/2021, Công ty Sông Hồng Hoàng Gia phát hành lô trái phiếu trị giá 488 tỷ đồng, ngày đáo hạn 17/10/2025, lãi suất 10,5%/năm, kỳ tính lãi là 3 tháng. Trái chủ là 1 tổ chức tín dụng.
Tổng số tiền thu được dùng để đầu tư và phát triển dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc
Tổ chức tư vấn và đại lý phát hành là Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS). Tổ chức quản lý tài sản đảm bảo, tổ chức quản lý tài khoản và thanh toán: Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Chi nhánh Vĩnh Phúc. Đại lý đăng ký và lưu ký trái phiếu là MB
Đây là lô trái phiếu có tài sản đảm bảo là 100% cổ phần Công ty Cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia; Quyền và lợi ích phát sinh từ một phần dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (tên thương mại là dự án River Bay Vĩnh Yên).
Đáng chú ý, Công ty Sông Hồng Hoàng Gia vẫn được MB và MBS thu xếp phát hành trái phiếu dù công ty này thua lỗ triền miên và thường xuyên ghi nhận doanh thu èo uột.
Công ty Sông Hồng Hoàng Gia thành lập ngày 17/7/2009 với ngành nghề chính là “Kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ”. Tuy nhiên, trong 4 năm trước khi phát hành trái phiếu, công ty có bức tranh tài chính rất èo uột.
Dự án lùm xùm nhưng vẫn được MB nhận làm tài sản đảm bảo
Cần phải nhấn mạnh, không phải đến năm 2021, MB và Sông Hồng Hoàng Gia mới có “quan hệ” nhờ đợt phát hành trái phiếu kể trên. Trước đó, trong năm 2020, MB đã rót vốn cho công ty này và nhận một phần Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc làm tài sản đảm bảo dù ở thời điểm đó, dự án này dính nhiều lùm xùm. Và cho tới tận bây giờ, Bắc Đầm Vạc vẫn tồn tại nhiều vấn đề.
Cụ thể, ngày 23/10/2020, Công ty Sông Hồng Hoàng Gia ký hợp đồng tín dụng với MB – Chi nhánh Vĩnh Phúc. Giá trị khoản vay không được tiết lộ.
Tài sản đảm bảo là “Các khoản lợi thu từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền trên đất tại Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc”.
Ở thời điểm đó, mà cụ thể là hồi tháng 9/2020, dự án bị tố lấp hồ và bị nghi ngờ sai quy hoạch.
Ngoài ra, trong năm 2021, dự án bị tố bán lúa non khi tổ chức bán hàng nhưng được quyền chuyển nhượng. Điều này không còn là “nghi ngờ” vì tháng 4/2022, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh có 28 dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị đã chấp thuận đầu tư trên địa bàn chưa được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư. Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc của Sông Hồng Hoàng Gia cũng nằm trong danh sách này.
Một dự án được thế chấp 2 lần tại MB?
Trở lạ với MB và MBS khi thu xếp cho Sông Hồng Hoàng Gia phát hành lô trái phiếu này trong khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ triền miên, dự án dính nhiều lùm xùm.
+Tháng 10/2020 Sông Hồng Hoàng Gia ký hợp đồng tín dụng với MB, đưa các khoản lợi thu được từ quyền kinh doanh khai thác giá trị của quyền sử dụng đất tại dự án Bắc Đầm Vạc ra thế chấp. Giá trị khoản vay không nêu rõ.
+Hơn nửa năm sau, tháng 6/2021 Sông Hồng Hoàng Gia mang chính bản thân mình, tức 100% vốn cổ phần đi thế chấp tại MB. Cùng với đó là quyền và lợi ích phát sinh từ một phần dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc đi làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu kể trên.
Liệu một dự án có đang được thế chấp 2 lần tại cùng MB?
Thúy Chi