Ảnh minh hoạ.

Đó là thông tin được Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (Vars) đưa ra tại Báo cáo Thị trường Bất động sản quý 3/2022 với chủ đề “Đầu tư thận trọng - Củng cố nền tảng" vừa được công bố mới đây.

Tại báo cáo trên, Vars cho biết, nền kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2022 khởi sắc trên hầu hết các ngành, lĩnh vực; GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong một thập kỷ qua.

Kim ngạch xuất khẩu, giải ngân vốn FDI, thu ngân sách, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động… đều có kết quả khả quan nhờ Chính phủ triển khai quyết liệt, tích cực các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 và 2023 được các tổ chức quốc tế dự báo sẽ hạ thấp đáng kể so với thời điểm đầu năm 2022 bởi xung đột quân sự địa chính trị ở một số khu vực; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, chính sách thắt chặt tiền tệ và nguy cơ suy thoái toàn cầu… đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản.

Dữ liệu của Vars cho thấy, nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt và tập trung chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực.

Riêng tại Hà Nội, nguồn cung chung cư chủ yếu là sản phẩm cao cấp, chiếm 62% lượng giao dịch trên thị trường. Sản phẩm căn hộ bình dân chỉ đạt có 4,7% tổng lượng cung và nằm ở rất xa khu trung tâm.

9 tháng năm 2022, Hà Nội có hơn 8700 sản phẩm chung cư được phê duyệt đủ điều kiện bán hàng, bằng 49,4% năm 2020 và 32,7% năm 2019.

Nguồn: Vars

Tỷ lệ hấp thụ trong quý 3/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng vốn bất động sản gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư.

Giá bất động sản có dấu hiệu chững lại, một số dự án đã phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại. Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu.

Theo nhận định của Vars, mặc dù tình hình giao dịch có dấu hiệu sụt giảm nhưng có thể khẳng định thị trường bất động sản chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm và nhu cầu vẫn ở mức cao.

Ngoài ra, chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trong đó, nhóm dự án hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn sẽ tạo ra nhiều khu kinh tế, du lịch, đô thị,...kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng. dịch vụ, văn phòng,... đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp trong xu thế chuyển dịch các cơ sở công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia của thế giới.

Do đó, thị trường sẽ bước vào giai đoạn tái cân bằng, tiếp tục phát triển bền vững khi Nhà nước điều tiết tốt những chính sách, công cụ nhằm điều tiết cung cầu hàng bất động sản như thuế, tín dụng, đất đai, tài chính... hoặc thu hút đầu tư.

“Việc sử dụng đòn bẩy tài chính mua nhà để đầu tư phải được tính toán một cách thận trọng, hướng vào những sản phẩm phục vụ nhu cầu thực trên nền tảng phải cân nhắc kỹ càng những biến số vĩ mô, địa chính trị xung quanh, đề phòng thị trường sẽ có những diễn biến tiêu cực”, Vars nhấn mạnh.

Minh Quân