⁰Ảnh minh hoạ.
Theo dữ liệu được tổng hợp từ HNX, 9 tháng năm 2022, có 411 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 244.191 tỷ đồng (- 67.78% so với cùng kỳ). Ngoài ra, còn có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với giá trị 625 triệu USD.
Trong 9 tháng, ngân hàng và bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong lượng phát hành thành công với tỷ trọng 63% và 24%.
Ở chiều ngược lại, 9 tháng vừa qua, khối lượng trái phiếu mua trước hạn đạt 135.180 tỷ đồng. Lượng mua lại trái phiếu có xu hướng tăng cao kể từ tháng 6/2022.
Đáng chú ý, trong top 20 doanh nghiệp có giá trị mua lại lớn đa phần là các ngân hàng. Điển hình như BID với 12.672 tỷ đồng, VIB với 8.800 tỷ đồng, LPB với 8.000 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, trong Báo cáo “Triển vọng thị trường trái phiếu tháng 9/2022- Điểm nhấn từ xu hướng tăng lãi suất” vừa được Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) phát hành cho biết, theo ước tính khối lượng đáo hạn TPDN trong quý 4/2022 đạt 85.000 tỷ đồng, trong đó tập trung ở nhóm các ngân hàng (chiếm 53,4%), bất động sản (chiếm 27%).
Theo dữ liệu tổng hợp, riêng về khối ngân hàng, đứng đầu danh sách trái phiếu đáo hạn quý 4 là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) với 15.400 tỷ đồng, theo sau là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với 8.000 tỷ đồng.
Cùng có mức trái phiếu đáo hạn 8.000 tỷ đồng còn có Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Tiếp đó sau là Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt với 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có Ngân hàng TMCP Phương Đông với 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín cũng 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với 1.800 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP An Bình 1.600 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam với 1.135 tỷ đồng….
Với nhóm bất động sản, theo dữ liệu của VCBS công bố, Công ty CP Bất động sản Nova Lexington với 2.380 tỷ đồng, Công ty CP Bất động sản Greenwich với 2.000 tỷ đồng, Công ty CP BĐS Sài Gòn Vina 1.850 tỷ đồng, Công ty TNHH BĐS Đà Lạt Valley 1.000 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh BĐS HÀ AN với 698 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS Thuận Phát 600 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản khu Đông 560 tỷ đồng….
Theo VCBS, khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng TPDN đang lưu hành, có thể kéo theo nhu cầu phát hành để đảm bảo nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên thị trường.
“Khối lượng đáo hạn và khả năng trả gốc và lãi trái phiếu cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới. Đồng nghĩa, rủi ro thanh khoản tăng đối với thị trường tài chính nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt”, VCBS nhấn mạnh.